Chương trình tọa đàm Thể thao Việt - Trung diễn ra chiều nay 28-6 tại Tổng cục TDTT do Uỷ ban Olympic Việt Nam và Ban tiếng Việt - Đài phát thanh truyền hình trung ương Trung Quốc phối hợp tổ chức.
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo ngành, nhà quản lý thể thao, các chuyên gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đại diện một số Liên đoàn, hiệp hội cũng như đại diện những đơn vị tham gia vào lĩnh vực hoạt động thể thao.
Hai bên hy vọng thông qua cuộc tọa đàm sẽ giúp tìm hiểu rõ hơn con đường phát triển ngành thể thao của mỗi nước; học hỏi trao đổi kinh nghiệm phát triển thể thao; đẩy mạnh hợp tác gắn kết sâu rộng trong lĩnh vực thể thao giữa hai quốc gia.
Nội dung của cuộc tọa đàm gồm 3 phần, trong đó, phần mở đầu vừa mang tính khái quát chung về sự phát triển thể thao Trung Quốc được các chuyên gia nước bạn chia sẻ, vừa đi sâu vào nội dung sâu phân tích về thực trạng nền kinh tế thể thao, công nghiệp thể thao, đã mang đến nhiều bài học, kinh nghiệm thực tiễn, số liệu khoa học rất hữu ích với các nhà quản lý, các đơn vị hoạt động thể thao ở Việt Nam.
Theo báo cáo từ một trong những khách mời chính của cuộc tọa đàm, giáo sư Hà Văn Nghĩa - tổng thư ký Cơ sở nghiên cứu Kinh tế Thể thao Trung Quốc (ĐH Bắc Kinh), giảng viên Lớp VĐV vô địch Olympic, tính đến hết năm 2021 tổng quy mô giá trị của ngành thể thao nước này là hơn 3.117 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng gần 440 tỷ đô la). Đây cũng là lần đầu tiên quy mô ngành thể thao Trung Quốc vượt ngưỡng 3.000 tỷ nhân dân tệ.
Dù theo đánh giá, giá trị quy mô ngành cũng như mức tiêu dùng thể thao Trung Quốc hiện vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế bùng nổ của đất nước này, nhưng để đạt tới giá trị cả nghìn tỷ nhân dân tệ như vậy Trung Quốc cũng đã có gần 20 năm đề ra những chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp thể thao.
"Năm 1995 Luật thể thao nước CHND Trung Quốc được ban hành và cùng năm đó Đề cương phát triển nền công nghiệp thể thao giai đoạn 1995-2010 cũng được ban hành, tất cả tạo cơ sở xây dựng những chính sách đồng bộ cho ngành công nghiệp thể thao toàn quốc cũng như các tỉnh thành địa phương", giáo sư Hà Văn Nghĩa chia sẻ.
"Ngày 20/10/2014 Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành một số ý kiến nhằm đẩy nhanh sự phát triển ngành công nghiệp thể thao và thúc đẩy tiêu dùng thể thao với mục tiêu là đến năm 2025 quy mô toàn ngành sẽ vượt mốc 5.000 tỷ nhân dân tệ, từ đó trở thành một lực lượng quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững, thậm chí thể thao có thể trở thành một nền công nghiệp trụ cột của đất nước. Đây là một vài trong số những chính sách, định hướng quan trọng giúp phát triển ngành công nghiệp thể thao ở Trung Quốc".
Rõ ràng, sau 18 năm phát triển kinh tế thể thao, Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu mà rõ nhất là số liệu giá trị quy mô ngành này đã chiếm tới 2,3% GDP, trong đó nguồn thu từ sổ xố thể thao là rất lớn.
--->>> Hàn Quốc đã giải bài toán kinh tế thể thao ngoạn mục như thế nào?
Thực tế, hồi đầu tháng này Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và công ty Vietcontent đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới".
Đây là Diễn đàn lớn về kinh tế Thể thao, sẽ hoạt động thường niên, là nơi các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm và cơ hội kinh doanh thể thao.
Tại Diễn đàn lần thứ nhất, những lát cắt về các vấn đề trong kinh tế thể thao được gợi mở, bàn luận dựa trên cơ chế chính sách về thể thao, thực trạng thể thao Việt Nam, dòng tiền trong kinh tế thể thao với trung tâm là giải đấu thể thao, và kinh nghiệm, bài học thành công từ các mô hình kinh tế thể thao ở các nước trên thế giới. Từ đó sẽ gợi mở, giúp hoạch định ra tầm nhìn chính xác về nền kinh tế thể thao tại Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có đến 40.000 giải đấu thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư ở tất cả các cấp độ. Trong đó, các giải đấu phong trào của các môn chạy bộ, ba môn phối hợp... thu hút hàng chục ngàn người tham gia và tạo nên giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy du lịch và tiêu dùng thể thao rất lớn.
Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ nhưng ước tính thị trường kinh tế thể thao trị giá khoảng 300 triệu USD. Đó là một ngành kinh doanh lớn, có dư địa phát triển mạnh tại Việt Nam.
--->>> Câu chuyện kinh tế thể thao nhìn từ con số “khủng” 40 nghìn giải đấu mỗi năm
Nhận xét, đánh giá và từ đó đưa ra những ý kiến đóng góp giúp kinh tế thể thao Việt Nam tập trung phát triển trong tương lai, giáo sư Hà Văn Nghĩa chia sẻ: "Trước hết cần tìm hiểu hiện trạng ngành nghề (thể thao) và quy hoạch chính sách phát triển ngành nghề. Bản thân Trung Quốc cũng phải tìm hiểu rất kỹ những điểm khó khăn, nút thắt khó khăn, nguồn gốc khó khăn để từ đó xây dựng chính sách xung quanh giúp giải quyết xử lý".
"Việt Nam phải nắm bắt rõ quy mô, cơ cấu ngành nghề thể thao, quy mô số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao, cơ sở vật chất, số người tập luyện thể thao theo các mức độ khác nhau... từ đó xây dựng quy hoạch ngành. Tiếp đến là cải thiện các yếu tố cơ bản trong ngành thể thao đó là:
1. Cải thiện cơ sở hạ tầng. Sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ địa phương cải tạo hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao như công viên thể thao, sân vận động, đường chạy, các hạng mục tập luyện thi đấu thể thao. Nếu không có cơ sở hạ tầng sẽ không có người chơi thể thao.
2. Bồi dưỡng và kích thích sức sống của các chủ thể thị trường. Khuyến khích các chủ thể thị trường như doanh nghiệp thể thao, hiệp hội, liên đoàn hay CLB thể thao phát triển. Mở rộng đi kèm với giám sát thị trường thể thao phát triển.
3. Tổ chức thi đấu thể thao. Thi đấu thể thao là nội dung và cơ sở quan trọng để thương hiệu quốc gia, địa phương nâng cao cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng. Một mặt Việt Nam có thể thu hút tổ chức các cuộc thi thể thao đẳng cấp quốc tế, mặt khắc có thể đổi mới sáng tạo các cuộc thi sẵn có, tích cực quảng bá và nâng tầm cuộc thi này theo hướng 3 trong 1 khi kết hợp các giải đấu chuyên nghiệp, giải của thanh thiếu niên và giải đấu thể thao quần chúng.
4. Đào tạo số người chơi thể thao và phát triển người tiêu dùng thể thao. Số người tiêu dùng thể thao chủ yếu bao gồm tham gia và người xem. Để phát triển số người tiêu dùng thể thao phải bắt đầu từ tầng lớp thanh thiếu niên. Ở Trung Quốc đã thực hiện bằng cách kết hợp với giáo dục thông qua việc đưa nhiều môn thể thao vào học đường để đào tạo kỹ năng thể thao cho thanh thiếu niên.
5. Thúc đẩy hội nhập xuyên biên giới không chỉ gói gọn trong ngành thể thao mà còn các lĩnh vực ngành nghề khác. Từ thực tế của Việt Nam cần thúc đẩy sự hội nhập và làm gia tăng giá trị cho ngành thể thao và cả các ngành, lĩnh vực khác khi kết hợp thể thao với bất động sản, du lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, đào tạo giáo dục. Đó là mô hình "Thể thao +", hay có thể là mô hình "+ thể thao".
-->>> Toạ đàm Thể thao Việt - Trung: E-Sports Việt Nam và bài học tìm kiếm nhân tài từ Trung Quốc