Cao nhất, hay nhất và nghiệp dư nhất
Phải thừa nhận, HLV ĐTQG 35 tuổi từng 5 lần vô địch SEA Games, 2 lần dự Olympic này là một trường hợp ngoại lệ của TTVN, với sự đa năng rất đặc biệt. Tranh thủ tham gia chơi bóng với một đội bóng đường phố tại TP.HCM để giải trí trong thời gian tập huấn ĐTQG song võ sỹ xứ Thanh cao tới 1m95 lại trở thành một cầu thủ bóng rổ xuất sắc.
Ngay khi lên chơi ở giải VĐQG vào năm 2007, CLB Joton TP.HCM đã mời Hùng về đầu quân bằng được. Do việc luyện tập, thi đấu taekwondo vốn đã quá nặng nên mỗi tuần anh chỉ có thể tập vài buổi, giải đấu nào cũng sát ngày mới có mặt. Thế nhưng cầu thủ bóng rổ “độc nhất vô nhị” ấy đã lập tức chứng tỏ được sự khác biệt của mình. Hùng tấn công và phòng thủ đều hay, với khả năng di chuyển linh hoạt, kỹ thuật lách người điệu nghệ, cùng những pha ném bóng cực mạnh, chính xác.
Đến giờ qua 8 năm, Hùng đã thực sự trở thành ngôi sao số 1 của bóng rổ Việt Nam, cả về chuyên môn lẫn danh tiếng. Anh góp công lớn đưa Joton TP.HCM vươn tới vị thế hàng đầu Việt Nam, đáng kể nhất với chức vô địch 2014. Từ đầu năm nay, khi đội bóng cũ giải tán, Hùng lại tiếp tục được trải thảm đỏ mời sang CLB nhà giàu theo mẫu hình chuyên nghiệp Sagon Heat. Tại đây, Hùng thậm chí còn được tin tưởng giao phó vị trí đội trưởng.
Cả đẳng cấp và chiều cao của cựu Quán quân taekwondo châu Á này đều vượt trội so với các cầu thủ nội. Càng đáng nói hơn vì chuyện tập luyện, thi đấu của anh cũng lại đang nghiệp dư nhất khi đang là HLV trưởng ĐTQG taekwondo.
Nỗi hổ thẹn cho cả làng bóng rổ Việt
Chiến tích bóng rổ của Văn Hùng vô cùng đáng nể và tự hào. Tuy nhiên, với làng bóng rổ Việt Nam, đó thực sự là một nỗi hổ thẹn, nhất là với các nhà quản lý, huấn luyện.
Thật khó chấp nhật sự thật là qua tới 8 năm, môn này vẫn chưa có nổi một người thứ 2 chứ chưa nói đến số nhiều, đạt tới chiều cao và trình độ của một VĐV nghiệp dư đã 35 tuổi và chơi kiểu “tay ngang” như Hùng. Trong khi đó, ngay cả “đẳng cấp” như Hùng cũng chỉ “làm Vua” ở Việt Nam, với nền bóng rổ ở dưới đáy khu vực Đông Nam Á.
Từ một ngôi sao kỳ lạ như Văn Hùng mới thấy rõ sự thảm hại, bế tắc của bóng rổ Việt Nam. Trong đó, cả một mảng phát hiện, đào tạo cầu thủ trẻ tối quan trọng từ lâu đã gần như không hề tồn tại, cho dù đầy ắp các nhân tố tiềm năng xuất hiện ở các giải học sinh tiểu học, trung học, hay cụ thể nhất là giải U.17 toàn quốc năm nào cũng thu hút hàng trăm đội. Những người có trách nhiệm thực sự không làm gì cả và đẩy môn Olympic đại chúng, hiện đại vào thảm cảnh “sống không bằng chết” như nhận xét của chính những người trong cuộc.
Ngoài Văn Hùng, nhìn vào lực lượng cầu thủ Việt hiện tại, một vài người thuộc diện chơi tạm được tại các giải quốc nội cũng lại là những cựu binh đã qua thời đỉnh cao cả chục năm như Chong Paul hay Trịnh Nhân Dục.
Hà Thảo