Trước bộ ba 9x Lịch - Lan - Hinh, huyện Ngọc Lặc hoàn toàn là một vùng “đất trắng” của thể thao Thanh Hóa. Thanh thiếu niên nơi đây, chủ yếu người dân tộc Mường, vốn chỉ quen công việc chăn trâu kiếm củi, làm đồng vất vả không có bất cứ điều kiện hay cơ hội nào để tập luyện thể thao. Chưa từng có một VĐV xứ Thanh nào, dù chỉ cấp tỉnh, đến từ huyện phía Tây nghèo khó này.
Thế nên, cái tên Ngọc Lặc trong một thời gian ngắn đã gây sửng sốt cả làng thể thao khi sản sinh ra 3 tài năng trẻ sáng giá bậc nhất với tố chất, sức vươn kỳ lạ. Như ví von của giới chuyên môn, đó là một cuộc đưa “đỉnh” SEA Games và ASIAD về đất Mường theo cách không thể tin nổi.
Nó được khởi đầu tại ASIAD 2014, lúc Quách Thị Lan cán đích ở vị trí thứ hai nội dung 400m sau những bước chạy thần tốc; và hội tụ đỉnh cao ở SEA Games 2015 khi Hinh mang về tấm HCV thuộc diện khó nhất cho TTVN trên đường chạy 200m nam còn Lan dẫn dắt đội tiếp sức 4x400m nữ lật đổ sự thống trị tuyệt đối của người Thái. Trong khi đó, Lịch đã chiến đấu sòng phẳng với đối thủ người Mỹ nhập tịch Philipines ở cả 2 nội dung 400m và 400 rào, chỉ chịu thua sát nút.
Dù phong độ hay kết quả có thể chưa như ý, song lần đầu điền kinh Việt Nam chứng kiến một hiện tượng đặc biệt: 3 chân chạy hàng đầu khu vực đều là người dân tộc Mường, cùng ở một huyện miền núi vô danh về thể thao.
“Lò” tài năng độc nhất vô nhị
Bộ ba Lịch - Lan - Hinh được coi là 3 trong 4 “mũi nhọn” cho các mục tiêu quốc tế tầm cao của điền kinh Việt Nam với một tương lai xán lạn đang chờ sẵn. Ngay bây giờ họ đã làm rạng danh xứ Mường, gắn với sự hình thành của một “lò” tài năng độc nhất vô nhị.
Phía sau thành công ngoạn mục của họ, người ta phải trầm trồ về tố chất thiên bẩm - từ hình thể, sức mạnh đến sức bền, về niềm đam mê và sự khổ luyện đến mức… hồn nhiên. Xuất phát điểm của Lịch, Hinh và nhất là Lan được đánh giá ngang với chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, phía sau đó, còn phải kể đến vai trò quyết định của ngành thể thao Thanh Hóa với cách làm mang tính đột phá. Họ đều được phát hiện từ Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, qua sự theo dõi, tuyển chọn trực tiếp kỹ lưỡng của các HLV môn điền kinh. Từ trường hợp của Lan, thể thao xứ Thanh đã lập tức xác định Ngọc Lặc là “trọng điểm” đầu tư số 1 ở các nội dung chạy ngắn, trung bình. Nhờ thế ngay sau đó, xứ Thanh có thêm Lịch và Hinh.
Đáng nói hơn, thay vì tự đào tạo theo cách cũ (đào tạo tại chỗ), các nhà quản lý huấn luyện nơi đây đã gửi quân lên rèn giũa ở ĐTQG trong một môi trường tốt nhất về thầy, đồng đội, sân bãi, dinh dưỡng. Và cũng chính Thanh Hóa chủ động đề xuất Tổng cục TDTT đưa họ ra nước ngoài tập huấn với phương thức trung ương cùng địa phương chia sẻ kinh phí.
Hiện tại, hai anh em Lịch - Lan đang được đào tạo trong một quy trình chuyên biệt tại Mỹ. Tới đây, Hinh cũng sẽ đi Mỹ. Họ đang quyết tâm, nỗ lực phấn đấu không ngừng, với động lực to lớn từ quê nhà Ngọc Lặc, nơi nhiều trẻ em vốn quen với việc chăn trâu, kiếm củi, làm đồng đã coi đường chạy là một đích nhắm.
Ngành thể thao Thanh Hóa đã thiết lập một hệ thống tại các trường học với các HLV thường trực tại đây để tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận những “ngọc thô” mới.
Sau màn trình diễn ngoạn mục của bộ ba xứ Mường, Viện Khoa học TDTT đã cử một nhóm chuyên gia đầu ngành về tận Ngọc Lặc để thực hiện một công trình nghiên cứu riêng về hiện tượng đặc biệt Lịch - Lan - Hinh. Kết quả công trình là một mẫu hình mang tính độc đáo nằm trong quy luật chung của thể thao thành tích cao để có thể gợi mở, nhân rộng cho việc tuyển chọn, đào tạo VĐV không chỉ ở môn điền kinh.
Theo quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2020, thể thao thành tích cao Thanh Hóa sẽ đầu tư 33 môn, chia thành 3 nhóm chính. Trong đó, nhóm 1 có 11 môn được ưu tiên đặc biệt, gồm: Điền kinh, bắn súng, bơi lội, judo, pencak silat, teakwondo, vật, cử tạ, đua thuyền, karatedo và bóng đá. Cả 11 môn trọng điểm đều có một đề án phát triển riêng, với giải pháp đảm bảo, kể cả kinh phí.