Theo thống kê trong 17 năm kể từ SEA Games 2003, thể thao Việt Nam có tới 16 trường hợp của 8 môn dính doping. Trong đó, với hai đô cử mới nhất bị phát hiện, cử tạ đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi các cuộc đấu quốc tế, kể cả Olympic.
Nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn đến vấn nạn này, chính là việc thể thao Việt Nam đã gần như không kiểm soát và kiểm tra doping trong nước, cụ thể là tại các giải đấu quốc nội. Lâu nay, chỉ ngay trước mỗi kỳ SEA Games, theo yêu cầu của Ban tổ chức, Việt Nam mới kiểm tra một số lượng VĐV tối thiểu (35-50 trường hợp).
Bởi thế, trong hàng loạt biện pháp nhằm tạo đột phá trong việc phòng chống doping từ 2021, ngành thể thao sẽ ưu tiên tập trung cao độ cho khâu mang tính “gốc rễ” ấy. Ngoài việc lấy mẫu ở một số giải đấu của các môn quan trọng, hay có nguy cơ cao như điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp, thể hình, ngành thể thao sẽ tập trung kiểm tra doping theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên.
Trung tâm Doping và Y học Thể thao của Tổng cục TDTT có thể chọn ngẫu nhiên hay yêu cầu lấy mẫu thử đột xuất của VĐV tại bất cứ cuộc đấu nào, kể cả giải VĐQG và giải Trẻ QG. Cùng đó, việc lấy mẫu còn được thực hiện ngay trong thời gian tập huấn, không chỉ ở ĐTQG mà cả các địa phương.
Dự kiến, trước SEA Games 31 trên sân nhà, ngành thể thao sẽ kiểm tra ít nhất 100 trường hợp, và cũng chủ yếu theo các diện kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất và ngoài thi đấu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là các phương thức kiểm tra rất hiệu quả, có tính răn đe cao, khi bất cứ VĐV nào, kể cả không có thành tích, không đấu giải, cũng có thể bị kiểm tra.