(thethao24.tv) – Có buồn đau và thất vọng song chính Trưởng đoàn Lâm Quang Thành cũng tuyệt nhiên không cho nhắc gì đến một chữ “nuối tiếc” khi TTVN kết thúc Đại hội với 1 HCV.
>>>Phía sau tấm HCV ASIAD lịch sử của Dương Thúy Vi: Vì sao vô cùng khó & đặc biệt quý?
>>>Việt Nam chỉ có VĐV chạm mức Bạc, Đồng
>>>Chuyện ghi từ ASIAD 2014: 2 ông Trưởng đoàn, 1 HCV & 1 nền thể thao
Đơn giản vì không có bất cứ nội dung nào, cụ thể hơn là với 10 tấm HCB, Việt Nam đã để mất Vàng bất ngờ hay ít nhất có thể tranh chấp ngang phân với nhà vô địch. Nhìn nhận vấn đề và những tấm HCB ở góc độ này, thậm chí đoàn quân tranh tài tại Hàn Quốc còn thảm hơn cách đây 4 năm nhiều.
Thạch Kim Tuấn không thể mang về HCV cho đoàn TTVN.
Nhìn nhận thắng thắn, ngay cả tấm HCV duy nhất do công của võ sĩ wushu Dương Thúy Vi dù rất xứng đáng song cũng thật mong manh. Vi chỉ hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp người Macau đúng 0,01 điểm – một khoảng cách chỉ có ở môn siêu đặc thù wushu, và nhiều khi rất khó nói vì sự nhạy cảm.
Lần này, TTVN có 10 HCB, không chỉ ít hơn 7 tấm so với kỳ Đại hội trước mà còn kém hơn hẳn về chất lượng. Rõ nhất, không có bất cứ trường hợp nào thuộc diện để vuột Vàng trong gang tấc, khi đang chiếm thế thượng phong, giống như kỳ thủ Quang Liêm hay võ sĩ taekwondo Hoài Thu 4 năm trước. Các nhà Á quân tại ASIAD 2014 đều về nhì theo kịch bản nhìn thấy trước trước chung kết và thậm chí có thể coi có HCB đã thành công vượt dự kiến.
Trước Đại hội, xạ thủ trẻ Hoàng Phương, tuyển thủ 400m Quách Thị Lan, tuyển thủ nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo hay cua rơ mới nổi Nguyễn Thị Thật có trong mơ cũng chẳng dám tin mình đoạt được huy chương, chứ chưa nói đến HCB. Việc họ giành được vị trí thứ 2 đã quá xuất sắc, có dấu ấn của may mắn và sự xuất thần nên không thể mong được hơn. Có thể có khả năng nhưng các nhân tố mới đó chưa thể đủ đẳng cấp, kinh nghiệm và cả may mắn để bước lên đỉnh cao nhất. Nếu như có một chút có thể gọi là tiếc, chỉ là Thu Thảo trên hố nhảy xa nữ khi các đối thủ sùng sỏ đồng loạt thi đấu sa sút, chị đã liên tục vượt lên dẫn đầu cho đến khi VĐV Indonesia có cú nhảy cuối lấy luôn HCV.
Nguyễn Thị Thật giành HCB.
Hoàng Ngân (kata, karatedo) thất bại trắng 0-5 trước tài năng trẻ đến từ Nhật Bản kém mình tới 7 tuổi song mọi mặt đều vượt trội trong trận chung kết. Hà Thanh (thể dục dụng cụ) đứng thứ 2 đơn môn cầu thăng bằng với thành tích kém xa VĐV Triều Tiên, chưa kể còn nhờ 2 ứng viên sáng giá của Trung Quốc mắc lỗi nghiêm trọng. Tương như như thế với đội thuyền 4 nữ rowing, đội bắn súng nữ 50m súng trường hơi đi động, hay võ sĩ tán thủ wushu Bùi Trường Giang.
Riêng đô cử Thạch Kim Tuấn đau nhất bởi anh đã vượt cả thông số HCV Olympic 2012 những 1kg, HCV ASIAD trước tới 9 kg mà vẫn không thể đăng quang. Tuy nhiên câu chuyện ở nội dung thi đấu cụ thể này cũng không có gì phải bàn cãi cả khi anh vẫn còn kém nhà Quán quân người Triều Tiên đến 4 kg.
Như đánh giá của giới chuyên môn, với TTVN đây thực sự là một kỳ Á vận hội của những tấm HCĐ. Việt Nam đoạt tới 25 HCĐ, nhiều hơn Đại hội trước 10 chiếc, góp phần nâng tổng số huy chương của đoàn lên tới 36 – nhiều nhất trong lịch sử. Điều đó một phần chứng tỏ bước chuyển mới khá tích cực và toàn diện lên tầm cao châu lục, đặc biệt ở nhóm môn Olympic. Song vấn đề cốt yếu, Việt Nam đã tiến rất chậm, gần như không có tuyển thủ, nội dung hay môn “mũi nhọn”, nhất là trong mặt bằng chung của thể thao châu Á và thế giới đang thay đổi chóng mặt.
Bài học lớn nhất mà suốt 12 năm nay kể từ ASIAD 2002 giành tới 4 HCV vượt xa chỉ tiêu đề ra, ngành thể thoa vẫn chưa thuộc hay cố tình bỏ qua chính là việc phải đặt trình độ châu lục làm đích chính cho sự phát triển, để từ đó làm bệ phóng cho Olympic và lan tỏa cho SEA Games.
Hà Thảo