Hôm nay, ngày 03/06/2023 tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent tổ chức Diễn đàn kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới”.
Tại Việt Nam thể thao đang ngày một phát triển và ngày càng ảnh hưởng một cách tích cực tới nhiều lĩnh vực của xã hội, tuy nhiên sự quan tâm, đầu tư vẫn chưa bắt kịp được xu thế phát triển ấy, vấn đề nằm ở những rào cản chính sách, độ phủ sóng hay những khó khăn đặc thù.
Diễn đàn kinh tế Thể thao Việt Nam năm 2023 chính là nơi giải đáp những thắc mắc, bóc tách vấn đề để những nhà làm thể thao hiểu được những khó khăn. Ở tầm vỹ mô nút thắt lớn nhất ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế thể thao chính là cơ sở vật chất phát triển chưa thực sự đồng bộ.
"Nút thắt lớn nhất chính là các cơ chế chính sách liên quan đến cơ sở vật chất. Đối với các nước phát triển khi quy hoạch về khu dân cư bao giờ cũng có đất thể thao, để sử dụng cho các hoạt động kinh doanh về thể thao, có chỗ để người dân rèn luyện thể thao.
Hiện tại chúng ta có thể thấy rất rõ bóng đá là môn thể thao số 1 nhưng sân Hàng Đẫy có tới 3 CLB chuyên nghiệp chọn làm sân nhà tập luyện và thi đấu. Hiện tại cơ sở vật chất yếu lại toàn bộ là quản lý nhà nước, đang có xu thế đầu tư công quản trị tư nhưng để triển khai thì rất khó khăn.
Các CLB chuyên nghiệp nếu không có sân không có cơ sở vật chất không bao giờ phát triển được vấn đề kinh doanh thể thao, bởi vì nguồn thu từ sân rất lớn. Các vấn đề về phát triển cơ sở vật chất cho thể thao hiện đang rất vướng, đây là nút thắt lớn nhất", Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Đặng Hà Việt chia sẻ trong buổi tọa đàm.
Vấn đề về cơ sở vật chất điều kiện kinh tế không chỉ dễ nhận thấy ở môn thể thao "vua" bóng đá, môn thể thao được yêu thích thứ hai tại Việt Nam là bóng chuyền cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành giải đấu lớn nhất trong hệ thống Liên đoàn là giải Vô địch Quốc gia hàng năm.
Dù nhận được sự quan tâm rất lớn của NHM nhưng giải đấu có chất lượng chuyên môn cao hàng đầu bóng chuyền Việt Nam lại diễn ra chỉ ít tuần trong năm, tổ chức các vòng cách xa nhau và khó tạo nên hiệu ứng dài hơi của giải đấu.
"Công tác tài trợ bóng chuyền mang yếu tố quen biết cá nhân, bóng chuyền Việt Nam rất muốn thi đấu theo dạng League như các giải đấu tại Nhật Bản hay Hàn Quốc,... nhưng rất khó khăn với chi phí ăn ở di chuyển. Hiện tại các đội bóng chỉ 10% là của doanh nghiệp, 90% là của các Sở nên hạn chế về kinh phí.
Để ngày càng dễ tiếp cận với NHM, chúng tôi thay đổi thể thức tạo nên tính cạnh tranh, thay đổi thời gian tổ chức để dễ tiếp cận khán giả, như việc chỉ tổ chức nhiều trận vào thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, tránh thi đấu vào khoảng thời gian NHM làm việc/đi học.
Chúng tôi hiểu rằng việc cần phải thay đổi là yếu tố cấp thiết, nhưng phải phù hợp và từng bước, trong đó chú trọng thu hút khán giả bằng chuyên môn, các trận đấu phải hay, chất lượng cao. Công tác truyền thông quan trọng, giới thiệu sản phẩm đến tay khách hàng", ông Lê Trí Trường - Tổng Thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết.
Những vấn đề của bóng đá hay bóng chuyền phần nào cho thấy rõ thực trạng của thể thao Việt Nam, tuy nhiên còn đó rất nhiều cơ hội khi cốt lõi là thể thao thành tích cao của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng, mà gần nhất là vị trí dẫn đầu SEA Games 32 vừa qua tại Campuchia.
"Kết quả thể thao Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua nhất là SEA Games 32 thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất lớn tới thể thao.
Việt Nam với chủ trương xã hội hóa đã tạo nên tiền đề cho phát triển kinh tế thể thao. Ban tuyên giáo trung ương đã tổng kết nghị quyết 08 và tới đây sẽ có chủ trương ban kinh tế phối hợp với ban tuyên giáo lồng ghép nội dung về kinh tế thể thao.
Với Việt Nam tới đây chúng ta nên có tư duy kinh tế thể thao cũng là một ngành kinh tế quan trọng, khi đó nhận thức của toàn xã hội sẽ thay đổi, từ đó chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách của doanh nghiệp, người dân về thể thao.
Dù thể thao chưa được coi là ngành kinh tế, tuy nhiên hoạt động sản xuất và kinh doanh thể thao đang rất phát triển, hiện tại nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sản xuất các loại hàng hoá dịch vụ thể thao ở Việt Nam và rất thành công.
Việt Nam với 100 triệu dân là thị trường rất tiềm năng đối với việc phát triển và kinh doanh các dịch vụ thể thao. Nếu chúng ta có những chính sách chủ trương đúng đắn thì tới đây Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa thể thao lớn hàng đầu thế giới, từ đó là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho thể thao Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã Hội ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Không chỉ tại các giải đấu trên trường quốc tế như SEA Games 32, những tích lũy đúc kết của các đơn vị đi sau cũng giúp các giải đấu thể thao đang ngày một đến gần với NHM, ví dụ tiêu biểu có thể kể đến giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA hay những giải chạy của VNEXPRESS.
"Chúng tôi luôn phải đặt câu hỏi cho vấn đề khán giả thích gì ở giải đấu của mình, từ đó tìm ra câu trả lời để phục vụ khán giả, giữ họ ở lại với mình. Như việc chuyển giao các nền tảng sao cho phù hợp, bóng rổ khán giả có độ tuổi rất trẻ vì vậy chúng tôi cũng phải chú trọng phát hành trên nền tảng online thay vì chỉ truyền hình.
VBA 3x3 cũng là phương án giúp chúng tôi dễ tiếp cận với khán giả khi đưa giải đấu tới đường phố. Chúng tôi luôn xác định ngoài thể thao VBA còn là để giải trí, và sẵn sàng cạnh tranh với những hoạt động như phim ảnh, ẩm thực, du lịch,...", ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều hành VBA chia sẻ.
"Giải chạy của chúng tôi luôn hướng đến kết hợp với du lịch, các VĐV đến với địa phương chụp hình, giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội, đây là cách lan tỏa giải đấu và hoạt động du lịch địa phương cực kỳ hiệu quả. Nó tạo thành trào lưu lan tỏa du lịch bằng các giải chạy như Cao Bằng, Hà Giang, Hậu Giang, Tây Ninh,… Tất cả tạo thành mô hình kết hợp với đơn vị tổ chức, các tỉnh thành và nhà tài trợ đang phát triển rất mạnh", Bà Lê Vân Anh - Phó BTC Hệ thống giải Vnexpress Marathon cho biết.
Đằng sau những khó khăn, thách thức vẫn còn đó là cơ hội, là những điểm sáng tích cực trong bức tranh thể thao Việt Nam đang ngày càng rực rỡ với nhiều mảng màu sắc. Vấn đề kết nối, thấu hiểu và cùng nhau phát triển chính là điều mà những người làm thể thao Việt Nam vẫn luôn trăn trở, hy vọng Diễn đàn kinh tế thể thao 2023 sẽ là nơi tháo gỡ mọi nút thắt để giúp những VĐV, CLB, Liên đoàn, những người làm thể thao và yêu thể thao cùng chung tay đưa mọi thứ lên một tầm cao mới.