Tiền thưởng là con số 0
Ánh Viên hay Quang Liêm có thể có thời điểm đột phá nhưng Nguyễn Tiến Minh mới chính là tuyển thủ duy trì được mức thu nhập “khủng” trong khoảng thời gian dài. Kể từ 2009, Minh luôn kiếm được tiền tỷ mỗi năm, ít cũng khoảng 700 triệu đồng. Thậm chí, đỉnh cao như 2013, anh còn vượt qua mức 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc kiếm tiền của Tiến Minh đúng theo hình mẫu của các VĐV chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, từ 2 nguồn: Tiền thưởng nhận được nhờ thành tích tại các giải quốc tế và tiền tài trợ.
Nhiều năm trước đây, có tới phân nửa trong tổng thu nhập của Minh nhờ những khoản tiền thưởng đều đặn mà anh có được cho các kết quả xuất sắc ở nhiều giải đấu. Tuy nhiên từ 2014, Tiến Minh đã không còn trông chờ được gì vào các giải thưởng. Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2015, coi như tuyển thủ Việt Nam đã không có thưởng bởi chỉ dự tranh một vài giải đấu và đều bị loại ngay từ vòng ngoài. Cựu binh này đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, không còn có hy vọng tranh chấp thứ hạng cao và nó đã được minh chứng qua sự tụt dốc nhanh trên BXH thế giới mà hiện tại Minh đang đứng thứ 35.
Nhưng vẫn “gặt” tiền tỷ
Không những mất nguồn tiền thưởng đáng kể, Tiến Minh cũng coi như phải chia tay nhà tài trợ Becamex từng gắn bó suốt 6 năm. Với vị trí trên BXH thế giới liên tục tụt quá nhanh, anh không còn giữ được cả mức tài trợ cuối cùng 10 triệu đồng/tháng, theo hợp đồng trong trường hợp đứng từ vị trí từ 21 – 25. Và Minh sẽ chỉ còn lại khoản thu nhập “cơ bản” khoảng 10 triệu đồng/tháng từ đơn vị chủ quản, cùng khả năng kiếm thêm tiền thưởng chắc chắn không thể nhiều, ở một vài giải đấu quốc tế vừa sức.
Thế nhưng vô cùng đặc biệt, tay vợt hay nhất mà cầu lông Việt Nam sở hữu vẫn chắc chắn sở hữu thu nhập tiền tỷ trong năm nay và cả năm tới. Đơn giản vì anh vẫn đang có hợp đồng tài trợ với hãng Kawasaki có thời hạn 3 năm, đến hết 2016, với tổng trị giá lên tới 1 tỷ đồng/năm. Điều kiện duy nhất mà đối tác này đặt ra là Minh phải dự tranh khoảng 10 giải quốc tế mỗi năm và không bị ràng buộc bởi thành tích. Có nghĩa là dù phong độ tiếp tục đi xuống, cũng không phải quá lo lắng. Trên thực tế, kể cả thứ bậc và kết quả thi đấu có như thế nào, cái tên Tiến Minh vẫn là một “thương hiệu” sáng giá bậc nhất của TTVN, chí ít cũng đủ tạo ra hiệu ứng cực lớn tại các giải quốc nội cũng như phong trào cầu lông Việt Nam.
Sau thất bại cay đắng ở SEA Games 28, ngoài việc cố gắng giữ vững một thứ hạng cao trên BXH thế giới, cựu binh 32 tuổi sẽ ưu tiên tập trung cho mục tiêu lần thứ 3 liên tục giành quyền dự tranh Olympic.
HÀ THẢO
8 năm liền kiếm tiền tỷ: Nếu tính đến hết 2016, năm mà Tiến Minh sẽ kết thúc hợp đồng với Kawasaki, giải nghệ và chuyển sang làm HLV, tay vợt Việt Nam duy nhất giành được huy chương thế giới này sẽ có 8 năm liên tục kiếm được tiền tỷ. Tuy phải chi một khoản đáng kể để tái đầu tư cho sự nghiệp, nhất là các chuyến du đấu dày đặc, song số tiền mà anh tích lũy được cũng phải vào cỡ vài tỷ đồng, đảm bảo cho anh có thể hoàn toàn yên tâm sau khi chia tay thảm đấu.
Cùng lúc có 2 nhà tài trợ: Tiến Minh vẫn là tuyển thủ Việt Nam duy nhất từng sở hữu 2 hợp đồng tài trợ, đều bắt đầu từ 2009, kéo dài trong 5 năm. Chính nhờ 2 nhà tài trợ này mà anh đã luôn có khoản thu nhập ổn định từ 60-90 triệu đồng mỗi tháng. Cả 2 đối tác đều đưa ra các điều kiện hết sức nhẹ nhàng, gần như không cần anh phải quảng bá ngoài việc gắn tên trên áo đấu, hay sử dụng các sản phẩm của nhà tài trợ tại những giải đấu phù hợp.
2 tuần đấu thuê nhận 44 nghìn USD: Trong năm 2013, Tiến Minh cũng từng lập được một kỷ lục kiếm tiền “siêu tốc” với chuyến sang thi đấu thuê tại giải chuyên nghiệp Ấn Độ. Chỉ đúng 2 tuần khoác áo CLB Pune Vijetas, không cần quan tâm đến thành tích, anh đã lĩnh 44.000 USD. Đây là mức lệ phí mà các CLB Ấn Độ “đấu” với nhau căn cứ vào thứ hạng của các tay vợt hàng đầu thế giới được mời sang và khi ấy, tuyển thủ Việt Nam đang xếp hạng 9 thế giới.