Tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền VN: “Phải là môn số 2 về nhiều mặt”

chủ nhật 6-12-2015 22:45:12 +07:00 0 bình luận
“Tôi sẽ dành khoảng 40-50% quỹ thời gian cho bóng chuyền. Đây dứt khoát sẽ phải trở thành môn số 2 của TTVN về nhiều mặt chứ không chỉ tính phổ cập và phong trào”, doanh nhân Lê Văn Thành - tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Thể thao 24h.

- Thể thao 24h: Ông nghĩ gì khi rất nhiều ý kiến đều bày tỏ mong muốn bóng chuyền sẽ phải phấn đấu trở thành môn thể thao số 2 tại Việt Nam?

Tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Lê Văn Thành.

Ông Lê Văn Thành: Thực tế, bóng chuyền đã và đang là môn thể thao số 2 Việt Nam về sự phổ cập và phong trào. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi là phải không chỉ duy trì và nâng cao những mặt ấy; mà còn phải có bước đột phá về chất lượng, sức hấp dẫn của các giải đấu, tính chuyên nghiệp, cũng như thành tích quốc tế.

- Trong nhiệm kỳ tới, Liên đoàn có đặt ra mục tiêu vượt qua người Thái để giành tấm HCV SEA Games, ở nội dung của nam và/hoặc của nữ như kỳ vọng của giới chuyên môn và NHM?

Phải thừa nhận điều đó rất khó, khi mà Thái Lan có nền tảng và mũi nhọn vượt trội. Tuy nhiên, chắc chắn việc bám đuổi quyết liệt và mạnh mẽ đối thủ đã đạt tới tầm mức thế giới này phải được đặt ra để làm đích phấn đấu và phát triển. Có thể Việt Nam trước mắt chưa vượt được người Thái, song không có nghĩa chúng ta không thể cùng họ tiến ra châu lục và thế giới. Mục tiêu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam là: Đội nữ sẽ lọt vào Top 5 và đội nam đứng trong Top 10 châu lục, ngay tại ASIAD 2018.

- Bài toán lớn nhất với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể thao tại Việt Nam là kinh phí hoạt động. Liệu có thể yên tâm với một Chủ tịch là doanh nhân, với một doanh nghiệp chuyên về thể thao đứng sau lưng, như ông?

Chắc chắn bản thân tôi và doanh nghiệp của tôi sẽ phải thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm hơn hẳn. Xin nói rằng, doanh nghiệp chúng tôi đã đồng hành với TTVN trong 25 năm liên tục. Tuy nhiên, điều quan trọng là tôi sẽ phải có đóng góp bằng việc tạo dựng được một phương thức tạo nguồn kinh phí, vận động tài trợ có được từ chính thực lực, giá trị của bóng chuyền. Tới đây, Liên đoàn sẽ tổ chức và củng cố lại Ban Tiếp thị -Tài trợ để đảm trách việc này. Bóng chuyền thực ra đã hoàn toàn có thể khai thác được nguồn kinh phí đảm bảo từ hệ thống giải đấu, ĐTQG hay kể cả một số ngôi sao. Tiếc là trước đây chúng ta chỉ tập trung đến mỗi mảng tài trợ, ít nhiều mang tính “xin cho”.

Theo tôi, trong khóa tới, Liên đoàn sẽ phải tạo ra bước đột phá mới cho mảng tạo nguồn kinh phí, chứ không thể hài lòng với mức trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm như hiện tại.

- Cá nhân ông coi đâu là những công việc trọng tâm hay những rào cản cần tập trung tháo gỡ?

Phong trào bóng chuyền nhìn chung đang ngày càng nở rộ, song chưa đến được nhiều với học sinh, sinh viên - đối tượng quan trọng bậc nhất. Vì thế chúng ta phải quyết tâm và nỗ lực đưa bóng chuyền vào trường học, gắn với việc kết nối với hệ thống phát hiện, đào tạo cầu thủ trẻ. Sở dĩ bóng chuyền đỉnh cao nhiều năm qua gặp khó, phần nào đó rơi vào khủng hoảng lực lượng cũng chính bởi mảng đào tạo trẻ yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ngoài các giải pháp đang triển khai như việc tổ chức tới 2 cuộc đấu trẻ toàn quốc (giải trẻ VĐQG và giải trẻ CLB), ngay tới đây chúng tôi sẽ xây dựng một chương trình “khung” theo chuẩn quốc tế áp dụng cho cả nước, để đào tạo HLV và VĐV, trong đó có sự hỗ trợ mang tính thống nhất cả về chuyên môn lẫn kinh phí.

- Vị trí Chủ tịch và Tổng thư ký luôn giữ vai trò quyết định đối với hiệu quả hoạt động của Liên đoàn. Có thể vẫn phải kiêm nhiệm song ông có thể đảm bảo sẽ dành bao nhiêu quỹ thời gian vốn rất bận rộn của mình cho việc của Liên đoàn? Liệu Tổng thư ký có thể là người chuyên trách?

Khóa trước khi là Phó Chủ tịch tôi đã dành khoảng 20% quỹ thời gian cho bóng chuyền, giờ với trọng trách Chủ tịch chắc cũng phải thu xếp để đạt mức 40-50%. Tất nhiên, việc xử lý cụ thể như thế nào là linh hoạt và suy cho cùng phải hiệu quả. Còn vị trí Tổng thư ký (trọng tài quốc tế Lê Trí Trường, Trưởng phòng Hành chính trường Đại học TDTT Bắc Ninh - PV) tất nhiên phải là người chuyên trách.

- Xin cảm ơn ông!

Nhiệm kỳ cũ của Liên đoàn do Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Lê Minh Hồng làm Chủ tịch đã chuyển giao cho nhiệm kỳ mới một khoản “vốn” rủng rỉnh lên tới trên 9 tỷ đồng. Trong 6 năm, Liên đoàn có nguồn thu ổn định khoảng 10 - 17 tỷ đồng mỗi năm, cao nhất là năm 2011 với hơn 17 tỷ đồng.

Trong số 21 Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ XI của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (giai đoạn 2015-2019), duy nhất Chủ tịch Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thể thao Động Lực) là doanh nhân. TBT Báo Thể thao 24h, Trưởng ban Thể thao Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Vũ Quang Huy tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm