Lướt đi như gió
Nói đến thể thao mạo hiểm, khó có thể bỏ qua những môn “trượt”, “lướt” bởi với con người, việc lấy thăng bằng và trượt tốc độ cao bằng những dụng cụ có bánh xe là rất khó khăn, đòi hỏi không chỉ năng khiếu, đam mê, kiên trì mà còn cả lòng quả cảm.
Trượt ván là môn thể thao đường phố, rất mạo hiểm nhưng cũng rất thu hút, đặc biệt là giới trẻ. Bởi bộ môn này không chỉ giúp người chơi chinh phục chướng ngại vật bằng những động tác kỹ thuật khéo léo mà còn thỏa mãn niềm đam mê mạo hiểm và thử thách bản thân.
Có mặt trên thế giới cả trăm năm nay nhưng từ năm 1987, trượt ván mới xuất hiện tại Việt Nam theo chân những du học sinh đời đầu.
Kỹ thuật chơi trượt ván không quá khó. Để nắm được những kỹ thuật trượt ván căn bản, người chơi phải luyện tập chăm chỉ, liên tục khoảng 5 tháng. Sau đó, tùy vào những kỹ thuật phức tạp mà có thể phải mất thêm từ 2 đến 3 năm để luyện tập thuần thục. Giữ thăng bằng trên tấm ván, di chuyển, vượt chướng ngại vật, biểu diễn kết hợp với hình thể để tạo ra những tư thế đẹp mắt là ấn tượng mà bộ môn này mang lại.
Tuy nhiên, ngay cả khi chưa thể hiện được những kỹ thuật đỉnh cao thì chỉ riêng việc đứng vững trên ván và trượt thẳng một cách tự tin đã làm cho “dân chơi” sướng mê tơi.
Hồng Minh (8 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vui “sướng phát khóc” khi được ông nội mua cho chiếc ván trượt đầu tiên trong cuộc đời sau khi đạt danh hiệu học sinh giỏi lớp 2. Bé mới tập được 2 tuần và cũng lại thêm một lần “sướng phát khóc” nữa khi trượt được quãng đường rất dài mà không rơi khỏi tấm ván trượt.
Cậu bé này cũng rất kiên trì khi ngày nào tan học ở trường tiểu học cũng ra quảng trường Lý Thái Tổ sớm nhất có thể để tập luyện những kỹ thuật mới cùng các anh chị lớn.
Hiện nay đã có hàng chục CLB trượt ván tự phát đang hoạt động tích cực và sôi nổi trên khắp cả nước. Tham gia chơi loại hình thể thao mạo hiểm này không chỉ có các bạn nam thanh niên với mốt quần rộng, quần tụt kiểu Hiphop mà còn rất nhiều bạn nữ và trẻ em. Đa phần giới trẻ thành thị thích thú và sẵn sàng vượt qua mọi ngăn cản, nguy cơ chấn thương để được biến thành một “mũi tên” trên vỉa hè, khu vui chơi và công viên.
Chơi trượt ván dần thoát khỏi định kiến là vô bổ, nguy hiểm… để khẳng định đích thực đây là một môn thể thao đầy phấn khích. Trượt ván còn giúp người chơi rèn luyện khả năng giữ thăng bằng tốt, phản xạ, ứng biến nhanh với những tình huống bất ngờ, và giúp xả stress sau một ngày học tập hay làm việc căng thẳng.
Trượt ván không chỉ là một môn thể thao mà còn là một nghệ thuật biểu diễn đường phố đầy ngẫu hứng và đam mê, mang một phong cách sống hiện đại với tinh thần và khát khao “thỏa khí phách”.
Sân trượt ván lòng chảo: Giấc mơ đã thành
Nếu xem phim về giới trẻ phương Tây chắc chắn mọi người không thể quên được những cú trượt ván tuyệt vời và phấn khích cỡ nào. Chiếc ván tung lên, người chơi bay lên và hạ chân xuống đúng chiếc ván của mình như có mắt, những cú lộn nhào và điều khiến như chiếc ván vốn là một bộ phận thân thể của người chơi đôi khi mang lại ấn tượng… phi thực.
Ấy thế mà ở Việt Nam, sau 20 năm môn trượt ván xuất hiện, cuối cùng một sân trượt lòng chảo đã ra đời, với cái tên Endee nằm trong phường Phước Kiển, quận Nhà Bè, TP.HCM; thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Sân Endee được trang bị 2 máng trượt hiện đại cùng các loại ván trượt và thiết bị bảo hộ nhập từ Mỹ nhằm đảm bảo an toàn cho người chơi, có các HLV chuyên nghiệp hướng dẫn. Người chơi sẽ được học các động tác một cách bài bản, theo các cấp độ từ đơn giản đến khó, biết cách tránh những chấn thương trong quá trình luyện tập và từng bước làm chủ tấm ván trượt.
Endee được xem là sân trượt ván chuyên nghiệp duy nhất hiện nay ở TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung. Nó làm cho dân trượt ván Hà Nội “đỏ mắt” vì “thèm thuồng”.
“Đồ chơi” chủ yếu của Mỹ, Canada
Ván trượt tiếng Anh gọi là Skateboard; được chia thành 2 loại chính: Ván dài và ván không dài.
Ván dài tiếng Anh gọi là Longboard. Loại này có bản rộng và dài 1,00-1,50m, rất tốc độ với bánh xe lớn và thân có độ dẻo cao. Loại dài khoảng trên dưới 1m00 là phổ biến nhất vì có tốc độ mà lại dễ lượn sóng nên lướt ngoài phố cũng được mà đổ đèo cũng thú vị. Lướt ngoài phố thì gọi là Cruising còn đổ đèo thì gọi là Bombing hoặc Downhill.
Loại không dài, khoảng 80cm, hẹp và có bánh xe nhỏ, cứng với 2 đầu ván vểnh lên được gọi là Freestyle. Loại này phổ biến nhất. Dân chơi ván trượt hay sử dụng trong sân trượt lòng chảo hoặc vỉa hè ngoài đường phố, công viên. Hai đầu ván cong lên như vậy là để dễ đá và khẩy ván bay lên không trung theo người. Loại ván này chơi trong phạm vi không gian hẹp thiên về kỹ năng biểu diễn hơn là tốc độ.
Hiện nay trên thị trường, ván của Mỹ và Canada được ưa chuộng vì chất lượng đảm bảo. Sản phẩm hàng hiệu phải kể đến Black Label, Gravity, Zero… cho loại Freestyle và LBL (Longboard Larry) Sector 9, Loaded, Landyachtz, Rayne… cho loại Longboard.
Giá không quá đắt, khoảng dưới 200 USD. Không nên mua hàng Trung Quốc trôi nổi, giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng dễ gãy, hỏng, gây nguy hiểm.
Đồ kèm theo thì có mũ bảo hiểm, bao đầu gối cùi chỏ. Nếu trượt dốc thì có bao tay trượt trên mặt đường – Sliding glove – dùng để giảm tốc hoặc ôm cua cho an toàn.
Với nhiều người, trượt ván không phải là thể thao, chỉ là trò “nhắng nhít” của tuổi mới lớn. Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm, và tất nhiên không thể “bóp chết” môn thể thao đường phố mang tính mạo hiểm và rất đỗi… hào hoa này.
MY MY