Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền: Nghịch cảnh kéo dài

chủ nhật 24-1-2016 22:44:14 +07:00 0 bình luận
Từ trường hợp của Hữu Hà khi trước và bây giờ là Thanh Thuận dù hoàn toàn khác nhau, người ta lại phải nói về bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ “chết yểu” cùng rất nhiều lỗ hổng phía sau.

Có thể thấy cả một quá trình - từ thương thảo, ký hợp đồng đến thực thi hợp đồng - gần như chỉ là chuyện riêng của các CLB với cầu thủ mà  không theo một chuẩn chung. Một khi hai bên không đạt được thỏa thuận riêng, tranh chấp lập tức xảy ra với đủ chuyện bi hài luôn thường trực. Mỗi CLB đang làm một kiểu, mà suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho quyền lợi cục bộ trước mắt còn các cầu thủ cũng mỗi người “chạy” một cách.

Từ năm 2010, bóng chuyền Việt Nam đã có Quy chế chuyển nhượng cầu thủ được đánh giá là tương đối đầy đủ, chặt chẽ, bám sát điều kiện trong nước cũng như học tập kinh nghiệm quốc tế. Chỉ có điều, ngay khi ra đời, coi như nó đã “chết yểu”. Các CLB, cầu thủ đều không hề quan tâm và thực hiện quy chế. Thậm chí nhiều lãnh đội, HLV và hầu hết cầu thủ đến giờ vẫn… không biết đang có một Quy chế, chứ chưa nói đến các nội dung cụ thể. Càng đáng nói hơn bởi các cơ quan quản lý gần như đứng ngoài cuộc: Không tuyên truyền phổ biến, không phối hợp triển khai hay theo dõi giám sát thực tế…

Rất bi hài vì trong vụ lùm xùm đi/ở của Từ Thanh Thuận, phải đến tận khi quyết tâm chấm dứt hợp đồng để tìm kiếm một “bến đỗ” mới, chủ công hàng đầu Việt Nam này mới tìm đến bản quy chế. Qua tìm hiểu, Thuận mới có thể biết chắc rằng mình có đủ các điều kiện để có thể ra đi tự do, cho dù vẫn còn chờ vào “phán quyết” cuối cùng từ Liên đoàn Bóng chuyền VN.

Trong khi đó, thực tế đã cho thấy lãnh đạo đội bóng XSKT Vĩnh Long trước đó cũng gần như không quan tâm, nghiên cứu hay áp dụng gì cái bản quy chế chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền đã có hiệu lực từ cách đây 5 năm. Thế nên họ mới “đặt” Thuận vào tình thế của một cầu thủ xin đơn phương chấm dứt hợp đồng, rồi “hét” cái giá 1,8 tỷ đồng cho sự tự do của Thuận, người thực sự không thuộc đối tượng điều chỉnh của bản quy chế.

Nghịch cảnh “chết yểu” của bản quy chế suốt 5 năm cũng lên tới đỉnh điểm ở đây khi CLB XSKT Vĩnh Long xin tư vấn và giải thích cho rõ từ phía Liên đoàn Bóng chuyền VN thay vì quy định thế nào thực thi như thế nào và đáng ra phải thế. Ngoài việc đẩy trách nhiệm lên trên, qua đây còn phơi bày một sự thật chính các CLB lâu nay cũng không hề quan tâm, ngó ngàng gì đến hành lang pháp lý quan trọng này. Đây có lẽ cũng là tình trạng chung của rất nhiều đội bóng, chỉ “động” đến quy chế khi xảy ra tranh chấp, với mục đích làm sao có lợi nhất cho mình.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm