Thợ giao giày trốn việc chơi cờ
Sinh ra trong một gia đình người Việt gốc Hoa, Trềnh A Sáng sớm bộc lộ tình yêu và tố chất đặc biệt với cờ tướng. Thời điểm đó, gia đình ông làm nghề cung cấp giày dép tại các khu chợ đầu mối.
Hàng ngày, Sáng phải đạp xe khắp đất Sài thành để giao hàng cho khách. Tuy nhiên, thay vì chuyên tâm vào công việc, Sáng thường xuyên trốn đến các quán café tụ tập với bạn bè để chơi cờ, đến nỗi khách hàng lần lượt bỏ đi hết. Ông kể: “Tôi mê cờ tướng đến nỗi ngày nào cũng phải chơi và ngồi trước bàn cờ là tôi không còn để tâm đến cái gì khác”.
Cuối cùng Trềnh A Sáng quyết định gạt bỏ mọi thứ để tập trung theo đuổi niềm đam mê của mình. Điều đó được xem là “điên rồ” vì dưới góc nhìn của nhiều người thì “thanh niên trẻ khỏe không kiếm việc gì làm mà suốt ngày chơi cờ vô bổ”. Cũng may cho Sáng, bố mẹ anh vì hiểu tính con nên không phản đối, cho dù buồn phiền ra mặt.
Đi khắp miền nam đánh độ nuôi nghiệp
Tự mình chuyển từ việc chơi cờ cho vui sang con đường chuyên nghiệp, Trềnh A Sáng đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Cờ tướng chưa được coi là một môn thể thao tại Việt Nam, tài liệu gần như không có gì.
Ông phải tự mày mò nghiên cứu các thế cờ, rồi tìm ra cách đánh riêng cho bản thân. Cách duy nhất để ông có thể tự rèn luyện là ngày ngày tìm đến các điểm cờ tướng khác nhau, xem mọi người thi đấu, tự ghi nhớ lại các nước đi, các thế cờ rồi về miệt mài tự nghiên cứu suốt đêm…
Trước khi trở thành VĐV chuyên nghiệp, Trềnh A Sáng đã có những tháng ngày rong ruổi khắp miền Nam vừa luyện cờ vừa kiếm sống bằng những trận cờ độ.
Cũng như nhiều kỳ thủ khi đó vẫn chưa được coi là VĐV, ông phải lấy “độ cờ làm cần câu cơm” của mình. Có ngày, ông di chuyển qua tới 3 tỉnh dự 3 trận cờ độ. Thế nhưng điều quan trọng, suốt thời gian “bão táp” đó, ông luôn vượt lên làn ranh của “cạm bẫy đỏ đen” để tập trung cho mục tiêu
Giành chức vô địch thứ 7 ở tuổi… 52
Sau mười mấy năm rèn luyện liên tục, tên tuổi Trềnh A Sáng đã vang danh như một “quái kiệt” làng cờ Việt. Thế nhưng bước ngoặt với sự nghiệp của ông chỉ đến khi cờ tướng được ngành thể thao đưa vào hệ thống các môn thành tích cao. Năm 1991, Trềnh A Sáng giành được tấm HCV đầu tiên tại giải cờ tướng TP.HCM. Ngay năm sau, ông tham dự giải cờ tướng VĐQG, và đoạt hạng 4.
Dù 20 năm trôi qua, Trềnh A Sáng vẫn nhờ như in về cột mốc của cuộc đời vào 1996. Ông đã gây nức lòng những người yêu cờ khi đoạt cả chức vô địch QG lẫn Đông Nam Á với một lối chơi được đánh giá là “xuất sắc và ấn tượng chưa từng có”. Ông đã đánh bại mọi đối thủ từ trong nước đến quốc tế nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa bài bản nghiên cứu và nghệ thuật cờ “phủi”.
Kể từ đó, Trềnh A Sáng đã luôn ngự trị trên đỉnh cao cờ tướng Việt Nam, với một niềm đam mê, sự bền bỉ và sáng tạo đáng kinh ngạc. Cứ mỗi giải đấu, kỳ thủ cao tuổi nhất làng lại khiến các đối thủ đàn em, đánh cháu phải “choáng” bởi luôn có những “chiêu” mới. Đến nay, ông đã dự tranh đủ 25 giải VĐQG với kỷ lục 7 lần bước lên ngôi cao nhất, trong đó có 3 năm liên tục 2001- 2002- 2003. Ở tuổi 53, kỳ thủ kỳ cựu này vẫn đang là ĐKVĐQG, và chắc chắn hành trình đỉnh cao ấy còn tiếp tục nối dài.
"Bí quyết thành công của tôi là phải biết cách làm mới mình. Trước mỗi giải đấu, tôi thường tập luyện trước vài tháng để nghiên cứu các thế đánh khác nhau. Sau khi đánh xong giải đó, dù thắng hay thua, tôi sẽ bỏ ngay thế cờ đó và đưa ra một thế cờ khác. Nếu dùng lại cùng một thế cờ nhiều lần, bạn sẽ bị thất bại”, Quốc tế đại sư cờ tướng Trềnh A Sáng.
Năm 2000, Trềnh A Sáng được phong “Đặc cấp quốc tế đại sư” cờ tướng- một danh hiệu tương đương với Đại KTQT của cờ vua. Trong làng cờ Việt, lão tướng 53 tuổi này nổi danh với biệt hiệu “Túy kỳ Tiên” được HLV kỳ cựu Lê Thiên Vị đặt trong một bài viết “Túy kỳ tiên danh chấn Đông Nam Á” ngay sau chức vô địch lịch sử của ông tại giải vô địch ĐNÁ 1996. Biệt danh đó gắn với lối chơi linh hoạt sáng tạo, biến hóa khó lường trong mọi thế trận với một nội lực thâm hậu của ông.