Nuốt nước mắt khi con tập nặng
Kể từ ngày Ánh Viên lập kỳ tích giành 8 tấm HCV, phá 8 kỷ lục ở SEA Games 28, gia đình ông Nguyễn Văn Tác trở thành tâm điểm của dư luận. Thế nhưng, ông luôn trong hình ảnh của một người nông dân chân chất miền Tây, với bộ đồ cũ giản dị cùng đôi dép quai hậu. “Giờ gia đình tôi đi đâu cũng được mọi người chào hỏi. Cả nhà vui lắm vì cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Dù vậy, tôi vẫn luôn xác định mình từ xưa đến giờ ra sao thì vẫn vậy. Tôi chỉ mong cho con tập luyện tốt và mang vinh quang về cho đất nước”, ông tâm sự.
Với một suy nghĩ giản đơn là “đường bơi của con là niềm hạnh phúc của bố”, ông Tác luôn sắm vai điểm tựa thầm lặng trên hành trình chinh phục đỉnh cao của Ánh Viên. Câu chuyện ấy bắt đầu cách đây 7 năm khi cô học trò lớp 5 gia nhập Quân khu 9. Ngày ấy, ông Tác cho Ánh Viên theo đuổi giấc mơ trên đường đua xanh với mong ước “Viên có thể rèn luyện sức khỏe, có nơi ăn ở, được đi học gần trường để không phải cuốc bộ mỗi ngày đến trường”.
Dù biết nhiều khi Ánh Viên tập luyện vất vả đến phát khóc còn bản thân cũng rất xót con, nhưng ông Tác chưa bao giờ than phiền với các thầy huấn luyện. Không biết bao lần, ông đã phải nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến cô con gái kiệt sức sau mỗi buổi tập, mệt mỏi rã rời tới mức không nuốt nổi miếng cơm.
Như lời nhận xét của người thầy đầu tiên của Ánh Viên là HLV Võ Thanh Bình thì “gia đình Ánh Viên rất hiền lành và không bao giờ phàn nàn hay đòi hỏi điều gì về quá trình tập luyện của con. Họ thương con, sống tình cảm và rất hiểu chuyện. Tôi nghĩ thành công của Viên có một sự góp phần rất lớn từ điểm tựa lớn là gia đình”.
Thèm nghe tiếng con cười
Hơn 2 năm qua, gia đình ông Tác luôn sống trong cảnh thiếu vắng tiếng cười của các con, khi đứa em trai Nguyễn Quang Thuấn đã nối bước Ánh Viên nuôi giấc mơ trên đường đua xanh; với sự khởi đầu ở Quân khu 9 - nơi Ánh Viên từng bắt đầu những bước chập chững đầu tiên.
Gia đình chỉ có 2 đứa con nhưng cả hai đều đi theo nghiệp bơi lội. Nếu như Ánh Viên tập huấn ở Mỹ và quanh năm đi thi đấu nên chỉ về nhà chỉ được 1-2 lần trong năm thì Quang Thuấn cũng ăn ở tập luyện ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. Đó là nỗi niềm mà vợ chồng ông Tác khó chia sẻ cùng ai, khi quanh quẩn với vườn cam mỗi ngày và nhiều khi rất nhớ các con.
Theo lời tâm sự của ông Tác, lúc đầu vì thấy Thuấn nhỏ con và biếng ăn nên gia đình quyết định cho con đi học bơi để nâng cao sức khỏe. Trong thời gian đầu, mỗi ngày ông phải lặn lội chở con đi tập với quãng đường xa gần 15km. Có những hôm trời mưa gió ông vẫn cố gắng đưa Thuấn đi tập luyện vì sợ con mất một buổi tập sẽ thiệt thòi so với bạn bè.
Bây giờ, Quang Thuấn được đánh giá rất cao trong lứa tài năng trẻ của bơi Cần Thơ sau 2 năm tập luyện chăm chỉ và được chắp cánh giấc mơ từ những tháng ngày đưa đón thầm lặng của người bố.
Một hành trình giống hệt những gì người chị Ánh Viên từng trải qua của gia đình ông Tác với cậu con trai nhỏ lại bắt đầu.
Với một lịch tập luyện dầy kín cùng những tháng ngày thi đấu liên miên, Ánh Viên rất hiếm khi về thăm gia đình. Cả năm thì kình ngư người Cần Thơ chỉ được về nhà vài ngày, có khi chỉ kịp tranh thủ ăn một bữa cơm đặc thù miền Tây rồi lại đi ngay, hay rúc vào lòng mẹ ngủ một đêm. Tết này, Ánh Viên tiếp tục phải xa nhà. Vợ chồng ông Tác không tránh khỏi sự buồn nhớ song nhưng dặn lòng phải cố gắng vui để con gái yên tâm luyện rèn trên đất Mỹ.
Ông Tác luôn túc trực các giải đấu trẻ của Quang Thuấn, đứa em trai ngoan đang nuôi giấc mơ tiếp bước con đường của chị gái Ánh Viên. Hình ảnh một người bố cao gầy, dáng vẻ chân chất và đôi mắt luôn rực sáng để dõi theo từng chuyển động của con trai trên đường bơi, khiến nhiều người cảm động.