Chạy chợ, hái sim và đi bộ 6 cây số tới trường
Nhà nghèo lại đông anh em, thu nhập chủ yếu dựa vào mấy sào lúa, khoai sắn. Khổ nỗi ở vùng đất cẵn cỗi, bao bọc bởi đồi núi ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang mà chỉ dựa vào “nước trời”, chuyện mất mùa diễn ra như cơm bữa. Chạy ăn tránh đói từng ngày nên từ nhỏ, Phúc đã phải lẽo đẽo theo mẹ kiếm kế sinh nhai.
“Mới học lớp 6, cứ 2 giờ sáng hàng ngày, Phúc theo tôi đi chợ đêm để bán củi, bán chổi. Tới 6 giờ, nó phải cuốc bộ hơn 3 cây số tới trường, chiều về cùng mẹ đi chặt củi, bó chổi, tối tranh thủ học bài khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ rồi ngủ để sáng sớm dậy đi bán. Cuộc sống cứ tiếp diễn như thế khiến nó không có thời gian để nghỉ ngơi, trông người còm nhom mà thương lắm. Cực khổ suốt quãng thời gian đi học nhưng khi hè đến, nó tranh thủ đi hái sim đem bán phụ giúp gia đình. Biết làm sao được khi tuổi thơ của tụi nhỏ quê nghèo này đều phải như vậy…”, bà Hoa không khỏi cạnh lòng khi kể lại những ngày cơ cực của gia đình.
Có vẻ như, Phúc sinh ra là để đối mặt và vượt qua những gập ghềnh của cuộc sống. Con đường đến trường của cô bé nhỏ nhắn này cũng như vậy, đi bộ 3km qua một con núi vì cả nhà chỉ có mỗi chiếc xe đạp cộc kệch. “Mỗi lần như thế hơn 6 cây chứ đâu phải ít. Xót, thương con lắm song vì hoàn cảnh nên chấp nhận thôi. Để động viên con, có nhiều hôm biết nó thích lựu, chắt chiu mua cho quả lựu. Thế là, nó đi mà quên hết cả mệt mỏi…”, mẹ Phúc kể chuyện mà nghẹn ngào.
Nỗi oan …“lên phố làm con ở”
Hè lớp 7, Thanh Phúc tình cờ bén duyên với điền kinh. Và nó như là cái duyên. Chị gái Nguyễn Thị Thanh Nhiệm đang tập ở đội điền kinh Đà Nẵng rủ Phúc đi cho vui và cũng là cách để đối phó với sợ hãi vì đi quãng đường dài mà không có bất cứ nhà dân nào. Thấy Phúc ngày nào cũng chăm chú đi theo chị, HLV Trần Anh Hiệp liền bảo Phúc ra chạy thử rồi “kết” ngay cái lần đầu tiên. “Một đứa trẻ nhỏ nhắn, cứ nhìn chằm chằm với ánh mắt sáng rực khiến tôi giật mình và muốn em nó thử xem sao. Ai ngờ, Phúc làm quá tốt và tôi nhận ra những tố chất của em để có thể thi đấu đỉnh cao”, HLV Anh Hiệp nhớ lại thời điểm đầu khi chọn Phúc vào đội điền kinh của Đà Nẵng.
Lập tức, thầy Hiệp đánh xe về tận nhà để xin phép ba mẹ Phúc cho em theo con đường chuyên nghiệp. “Nói thật chứ với hoàn cảnh lúc đó, con được chọn đi mà nửa mừng nửa lo. Mừng vì gia đình sẽ khỏi lo một miệng ăn, còn lo vì con còn nhỏ, không biết ở dưới sẽ ăn học như thế nào”, bà Hoa tâm sự.
Phúc thuyết phục bố mẹ cho theo thử và bắt đầu đến với niềm đam mê của mình. Sự khó khăn như chưa bao giờ buông tha Phúc. Hàng xóm dị nghị, coi thường vì cứ tưởng Phúc “về phố” chỉ để làm con ở, đi buôn bán chứ học hành, luyện tập gì dưới đó. Tưởng chừng cô gái trẻ sẽ dễ dàng gục ngã nhưng khi biết chuyện, Phúc lại động viên ngược gia đình và tự hứa sẽ sớm “minh oan” bằng thành tích đạt được.
Thương ba mẹ, thương mấy anh chị em phải vất vả kiếm từng đồng từng cắc sống qua ngày, Phúc như càng được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. “Tôi chưa bao giờ thấy nó kêu ca gì cả. Cứ mỗi lần về nhà thấy nó cười đùa với mọi người cứ tưởng mọi chuyện diễn ra tốt đẹp với đó. Nào ngờ, biết tôi bị bệnh tim, bố mẹ lại kham khổ nên nó không muốn chúng tôi lo lắng, chỉ tâm sự với mấy chị em nó. Vất vả, cực nhọc hay tủi thân gì nó cũng tự chịu một mình cả”, mẹ Phúc tâm sự mà khóe mắt đỏ hoe.
Có những đêm nằm ngủ lại mơ cảnh nó tay trắng khi kết thúc sự nghiệp, tôi càng lo thêm. Đem tâm sự với nó, nó cứ cười, động viên ba mẹ đừng lo lắng. Thú thật, nói để an tâm thế thôi chứ người mẹ nào mà chẳng muốn con có công việc nhẹ nhàng, ổn định…”.
Nhiều lúc hỏi như đùa “con cứ ăn tập như thế thì làm sao lấy chồng?”, Phúc cứ vờ như không lo lắng “chuyện đó tính sau chứ giờ chồng của con chính là điền kinh” và câu trả lời của Phúc khiến bà Hoa vừa mừng lại vừa lo.
TRẦN KHÁNH