“Bằng cách chào đón đoàn thể thao tị nạn, chúng tôi muốn gửi thông điệp niềm tin và hi vọng đến tất cả những người tị nạn trên thế giới”, Chủ tịch Ủy ban Olympic Thomas Bach nói.
Đoàn thể thao tị nạn biết đến với tên ROA và họ cũng sẽ diễu hành dưới lá cờ Olympic. Về cách thức, họ cũng được đối xử như như mọi đoàn thể thao khác. ROA cũng được bố trí sinh hoạt trong làng vận động viên. Tại lễ diễu hành, họ sẽ là đoàn đi gần áp chót, trước đoàn chủ nhà Brazil.
Được biết, hiện có 43 vận động viên tị nạn được xác định đạt trình độ cạnh tranh suất dự Olympic Rio 2016. Tuy nhiên, chính thức thì sẽ chỉ có khoảng 10 vận động viên trong số đó có mặt ở lễ hội Rio vào tháng 8 tới đây.
Về tiêu chí chọn lựa các vận động viên của đoàn tị nạn, cũng sẽ dựa trên khả năng thể thao, hoàn cảnh gia đình, cá nhân và tình trạng tị nạn có xác nhận của Liên hợp quốc. Các vận động viên sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo.
Nhân sự kiện này, IOC cũng thông báo 3 vận động viên thể thao đã rời khỏi đất nước họ và đủ điều kiện đến tranh tài ở Olympic 2016. Đó là một nữ kình ngư người Syria đang tập luyện ở Đức, một vận động viên Judo người Congo đang tị nạn ở Brazil và một võ sĩ Taekwondo người Iran đang tập ở Bỉ.