2 tấm huy chương mỏng manh
Tái hội nhập từ năm 1980, chỉ vắng mặt ở Olympic kế tiếp, đến nay thể thao Việt Nam (TTVN) đã trải qua 8 lần dự tranh Đại hội thế thao lớn nhất hành tinh.
Trong đó, có tới 4 kỳ, Việt Nam chỉ phó hội theo đúng nghĩa góp mặt đặt tên với một số suất đặc cách cho những nền thể thao kém phát triển, chủ yếu ở hai môn bơi, điền kinh. Bản thân các tuyển thủ cũng chỉ thi đấu để vượt lên chính mình mà cũng không nổi.
Tình thế chỉ bắt đầu thay đổi khi taekwondo, môn mà Việt Nam sớm đầu tư phát triển, có thành tích tầm châu Á, được đưa vào chương trình chính thức của Olympic 2000. Và chính môn này đã tạo nên cột mốc lịch sử với tấm HCB quý hơn vàng ròng của võ sỹ nhỏ bé Trần Hiếu Ngân.
Chính kỳ tích đầy gian nan và phần nào đó may mắn đó đã tạo ra cú hích cho cả một nền thể thao. Với đấu trường Olympic, ngành thể thao đã có sự tự tin, nhận thức cần thiết để bắt đầu nghĩ đến việc tiếp cận và từng bước vươn ra biển lớn.
Nhờ thế, số môn và số lượng tuyển thủ giành quyền tham dự Olympic dần tăng lên. Một số nội dung của bắn súng, taekwondo - và đặc biệt cử tạ - đã áp sát trình độ hàng đầu thế giới. Đến Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Việt Nam đã lần thứ hai có thêm 1 tấm huy chương, HCB rất đẳng cấp và xứng đáng của VĐV cử tạ hạng 56kg Hoàng Anh Tuấn.
Ngày càng tụt hậu
TTVN vẫn đang ở một trình độ yếu so với mặt bằng chung thể thao thế giới. Hàng loạt hảo thủ từng làm mưa làm gió ở SEA Games hay kể cả đoạt huy chương ASIAD cũng không có bất cứ “cửa” gì để đến được Olympic. Thực chất, chỉ có hơn một bàn tay số tuyển thủ đạt tới đẳng cấp đủ để tranh chấp sòng phẳng và xứng đáng vượt qua vòng loại Olympic.
Nếu nhìn xa hơn với đích nhắm 1-2 huy chương Olympic lại càng thấy rõ thảm cảnh. Cả nền thể thao đang “đặt cửa” vào đô cử Thạch Kim Tuấn vừa hồi phục chấn thương, và chưa thể biết có kịp lấy lại sự sung mãn nhất của mình. Đó là “mũi nhọn” duy nhất, và nếu đạt tới tầm mức cao nhất, Tuấn đủ sức mang về 1 tấm huy chương, kể cả Vàng. Tuy nhiên, giờ thì ngành thể thao đang lo sốt vó với diễn biến khó lường từ cái lưng và cái đầu gối đang trong giai đoạn hồi phục sau chấn thương của Tuấn.
Tụt lại xa phía sau Tuấn, mới lại thấy xạ thủ Xuân Vinh từng đoạt HCV, phá cả kỷ lục thế giới tại World Cup song luôn đánh mất mình ở các cuộc đấu quan trọng. Trước đây, Hà Thanh cũng từng được kỳ vọng nhưng với thể lực, phong độ sa sút gắn với chấn thương dai dẳng, ngôi sao thể dục dụng cụ này coi như đã chấm hết mọi hy vọng tạo đột biến, dù có thể vẫn giành vé vớt.
Trình độ vốn đã yếu của TTVN rất tiếc đã không được bù lại bởi quyết tâm, nỗ lực cao độ trong chuẩn bị lực lượng. Ngành thể thao dự trù một khoản kinh phí lên tới 40 tỷ đồng cho Olympic nhưng nó không mang lại hiệu quả, và không thể kịp làm được gì đáng kể, với cách thức tiếp cận, tập huấn, thi đấu “ăn đong thời vụ” giống hệt như SEA Games.
TTVN không coi Olympic như một chiến dịch bài bản, dài hạn, ít nhất cũng phải có quỹ thời gian 2 năm, với các giải pháp đột phá. Còn các môn, từ các nhà quản lý, huấn luyện viên cho đến chính các VĐV gánh vác nhiệm vụ, cũng coi việc đoạt suất hay tranh tài ở Olympic cũng là chuyện được chăng hay chớ.
Điển hình như môn số 1 điền kinh mới đoạt 11 HCV SEA Games 28 đã không hề có một kế hoạch đầu tư đào tạo, hay tham gia đấu loại để tranh suất Olympic.
So với chính mình có thể đang tiến bộ song nếu nhìn từ mặt bằng chung thế giới, TTVN ngày càng tụt hậu.
"Việc có tuyển thủ vượt qua vòng loại Olympic sẽ chứng tỏ bước tiến của từng môn cũng như cả nền thể thao. Điều đó rõ ràng rất quan trọng. Thế nhưng, theo tôi, mục tiêu của thể thao Việt Nam bây giờ phải là tranh chấp huy chương Olympic, và nếu đích nhắm này bất thành, phải coi như thất bại. Hiện tại, ngành thể thao mới chỉ đang tập trung cao độ để giành suất tới Olympic chứ chưa có kế hoạch, giải pháp đảm bảo để có thể tranh chấp huy chương. Ngay từ bây giờ có thể khẳng định, khả năng giành huy chương mới chỉ dừng ở mức hy vọng, với mũi nhọn duy nhất chính là môn cử tạ”. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN)
Nếu nhìn lại cả hành trình 8 kỳ Olympic, Thế vận hội 2012 với 18 gương mặt của 11 môn vượt qua vòng loại, cùng tấm HCB ở một môn cơ bản và truyền thống như cử tạ, chính là 2 “đỉnh cao” của TTVN. Rõ ràng, Việt Nam đã có sự tiến bộ tích cực.
Tuy nhiên, qua hơn 2 thập kỷ chỉ với mười mấy đại diện mỗi lần cùng 2 tấm huy chương mỏng manh, có thể thấy Việt Nam vẫn đang tụt hậu nặng nề, nhất là so với đòi hỏi, tiềm lực của một đất nước 90 triệu dân, cùng bước tiến mạnh mẽ của thể thao quốc tế hiện tại.
2016 là năm ngành thể thao kỷ niệm tròn 70 năm ngày thành lập, cũng như kết thúc 5 năm của một chu trình. Thật khó chấp nhận, nếu đoàn TTVN tới Olympic với một đội hình lèo tèo, và ra về tay trắng.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới có 9 đại diện chính thức giành quyền tới Brazil, đồng thời coi như chắc chắn giành 5 suất nữa, với các gương mặt Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông); Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ); Vương Thị Huyền (cử tạ). Việc tái lập con số 18 suất như Olympic 2012 với ngành thể thao đã hoàn toàn ngoài tầm với.