Có thể coi năm 1989 là cột mốc cho sự thay đổi khi Chính phủ chỉ thị chuyển giao các hoạt động tác nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao. Ở thời điểm đó, mới chỉ có 10 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia được thành lập, gần như đảm trách duy nhất nhiệm vụ đối ngoại mang tính thủ tục theo quy định quốc tế.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và xã hội hóa mạnh mẽ của thể thao Việt Nam, số lượng các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia được thành lập tăng lên nhanh chóng. Năm 2010, Việt Nam đã có 22 Liên đoàn - Hiệp hội, và đến giờ đã là 41 đơn vị, trong đó mới nhất là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của môn Kickboxing.
Một số Liên đoàn - Hiệp hội theo môn, nhóm môn như bắn cung, triathlon cũng tiếp tục được vận động thành lập. Ngành thể thao đặt ra mục tiêu tiến tới hình thành tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở tất cả các môn, lĩnh vực quan trọng, cả thể thao thành tích cao và thể thao cho mọi người.
Số Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia, giờ đã lên tới con số 41, xuất phát từ đòi hỏi thực tế, xu thế phát triển của thể thao Việt Nam. Về tổng thể, các tổ chức này ở các mức độ khác nhau đã thể hiện được vai trò, có những đóng góp tích cực, rõ nhất ở mảng hội nhập quốc tế, kết nối thúc đẩy phong trào, tạo nguồn kinh phí.
Tuy nhiên phía sau con số ấn tượng 41 Liên đoàn - Hiệp hội là một thực trạng chung đáng lo ngại, với rất nhiều yếu kém, khó khăn, bất cập.
Nhìn nhận thẳng thắn, chỉ một vài Liên đoàn - Hiệp hội - có thể đếm trên đầu ngón tay - đang có hoạt động mạnh, bộ máy chuyên trách và chuyên nghiệp, đạt tới sự tự chủ cao, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ rõ ràng, nổi bật với bóng đá.
Có thể coi VFF là đơn vị duy nhất đã hội đủ các yếu tố hoàn chỉnh của một thiết chế tổ chức xã hội nghề nghiệp. VFF đã có sự tự chủ cao, cơ bản gánh vác được các hoạt động của bóng đá Việt Nam với một bộ máy độc lập gồm 70 nhân sự tại trụ sở riêng, có Chủ tịch, Tổng thư ký và Chánh văn phòng chuyên trách, 14 phòng ban chức năng đều hoạt động hiệu quả, cùng nguồn thu tốt, đơn cử nhiệm kỳ 8 (2018-2022) là 674,4 tỉ đồng.
Một vài Liên đoàn khác như bóng chuyền, golf, Thể thao Điện tử và giải trí, quần vợt, cầu lông, bóng rổ, xe đạp, dù có khoảng cách xa rõ rệt so với VFF, cũng đã hoạt động hiệu quả bước đầu, đạt tới sự tự chủ ở các mức khác nhau. Nổi bật như Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mỗi năm có nguồn thu từ 11-17 tỉ đồng, có văn phòng với nhân sự chuyên trách, tự lo được các giải đấu trong hệ thống với chất lượng tốt, hỗ trợ đáng kể cho việc tập huấn thi đấu của các ĐTQG.
Trong khi đó, các Liên đoàn – Hiệp hội thể thao quốc gia còn lại, chiếm đa số, đều đang hoạt động không thường xuyên, một số duy trì cho có, hoàn toàn mang tính hình thức. Một thực tế phổ biến của các tổ chức này là Chủ tịch và Tổng thư ký đều kiêm nhiệm, không có văn phòng, không có nhân sự chuyên trách, các phòng ban chức năng đều chỉ bầu ra cho có…
Nguồn thu của các Liên đoàn - Hiệp hội này đều thấp, thậm chí không đáng kể, xoay quanh con số vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ngay Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, tổ chức của môn trọng điểm hàng đầu, từng có VĐV giành HCV Olympic lịch sử, cũng chỉ thu được trên dưới 1 tỉ đồng mỗi năm.
Quá khó để tìm ra bất cứ hoạt động, dấu ấn gì đúng nghĩa tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở những môn truyền thống, được thành lập từ lâu như Liên đoàn Taekwondo, Thể dục hay mới xuất hiện như Liên đoàn Biliards& Snooker, Bóng chày và bóng mềm. Có lẽ chỉ là sự hiện diện của ông Chủ tịch Liên đoàn để làm công việc trao giải tại các giải đấu, sự kiện mà chủ yếu vẫn do… nhà nước hay doanh nghiệp tổ chức.
Ngoài chuyện hoạt động “được chăng hay chớ”, một số Liên đoàn - Hiệp hội thậm chí còn tạo ra những rào cản cho phát triển, biểu hiện nhà nước hóa hay lệch chuẩn do không nhận thức đúng, hay không thực hiện đúng chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình. Điển hình như Liên đoàn Boxing Việt Nam với mối quan hệ “giằng ôm” quyền, trách nhiệm, hoạt động lên tới đỉnh điểm với bộ môn của Cục TDTT trong nhiều năm.
Hay Liên đoàn Biliards&snooker sau hai năm ra đời thay vì những hoạt động của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp môn lại cho thấy những hiện tượng Liên đoàn này hoạt động giống như một cơ quan quản lý nhà nước - hành chính.
Rồi trong vụ lùm xùm bớt xén suất ăn ĐTQG bóng bàn trẻ cũng phơi bày sự thật Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã bị “việt vị” như thế nào trong việc phối hợp, tham gia quản lý, giám sát, cho dù ông Tổng thư ký Liên đoàn cũng chính là chuyên viên phụ trách môn này của ngành thể thao.
Điều đáng nói, thực trạng đáng buồn của các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia vẫn không có gì thay đổi, phần nào đó còn phức tạp và tệ hơn, sau 17 năm luật TDTT được ban hành và 14 năm đề án chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp thể thao được triển khai.
Tất cả dẫn đến một vòng luẩn quẩn: cơ quan quản lý nhà nước vẫn bao cấp và ôm đồm, phần lớn các Liên đoàn - Hiệp hội hoạt động yếu kém, èo uột, thụ động trong khi tiềm năng, nguồn lực xã hội hóa lớn bị lãng phí.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn kéo dài này, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, về phía chính các Liên đoàn - Hiệp hội, đầu tiên phải nói đến sự thiếu hụt các điều kiện cơ bản cho hoạt động cùng tâm lý trông chờ, thụ động gắn với nhận thức cùng cách làm mang nặng tính hành chính, bao cấp. Thứ nữa, quan trọng không kém, là cách thức quản lý “nửa vời”, rõ nhất với kiểu “nửa nắm nửa buông” của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo chuyên gia Vũ Trọng Lợi (Nguyên Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng Tổng cục TDTT, Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam), người từng trực tiếp tham gia xây dựng Luật TDTT, “câu chuyện khó khăn, yếu kém của chính các Liên đoàn - Hiệp hội, của việc quản lý các Liên đoàn - Hiệp hội, những người có trách nhiệm qua các thời kỳ đều nắm rõ, đều thấy cần, phải và có thể thay đổi song vấn đề nằm ở chỗ chưa thấy làm gì để…thay đổi”.
(Điều 70 Luật TDTT năm 2007)