Nguyễn Thị Huyền: Đồng đội, chị em & Cuộc đấu không khoan nhượng

thứ bảy 13-6-2015 15:44:28 +07:00 0 bình luận
Đánh bại Quách Thị Lan – người đồng đội thân thiết, cũng là em gái của người yêu trên đường chạy 400m, Huyền đã có tấm HCV thứ 3, chuẩn Olympic thứ 2 với một thông số vừa đủ: 52 giây 00.

Đại chiến kỳ lạ của…  người nhà

Ngay từ trước khi tranh tài, ngôi đầu nội dung 400m đã được dự báo chắc chắn chỉ diễn ra giữa Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan, hai người không chỉ là đồng đội thân thiết mà còn có một mối quan hệ kiểu người nhà đặc biệt khác. Huyền là người yêu của anh trai Lan, do chính Lan làm cầu nối.

Diễn biến của SEA Games 28 cũng mang đến một tình thế kỳ lạ cho cả hai người. Ngoài 1 tấm HCV tiếp sức mà cả hai đóng vai quyết định, mới chỉ Huyền có 1 HCV cá nhân, kèm theo  kỷ lục và suất Olympic. Còn Lan đã thất bại ở nội dung 200m, thậm chí văng ra khỏi nhóm huy chương, và đang rất cần khẳng định mình bằng 1 tấm HCV cá nhân.

4d

Càng khắc nghiệt hơn, rõ nhất với Lan, bởi chị đang là đương kim Á quân ASIAD chính cự ly 400m, vừa trở về từ Mỹ sau chuyến tập huấn hoành tráng. Cả một tấn áp lực đè nặng lên cô em chồng tương lai, còn bà chị dâu tương lai cũng có những điều khó nghĩ.

Cạnh tranh sòng phẳng

Với khát vọng chiến thắng cao ngất, Lan chủ động bứt lên ngay từ đầu rồi tạo nên một khoảng cách ngày càng xa với các đối thủ, trừ Huyền vẫn bám đuổi sát phía sau. Mới qua nửa hành trình đã có thể nhìn thấy trước 2 vị trí đầu sẽ thuộc về hai người đồng đội, chị em của điền kinh Việt Nam, với ưu thế đang dành cho Lan.

Thế nhưng, đúng vào lúc nước rút quyết định, Huyền đã có cú tăng tốc mãnh liệt để nhanh chóng qua mặt Lan. Dù cố gắng vớt vát lại hy vọng trong những mét cuối song Lan cũng không tài nào ngăn được Huyền về đích đầu tiên. Lan đã không giấu nổi sự thất vọng và bất lực vô bờ, còn Huyền cũng có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, cả 2 tuyển thủ hàng đầu đều đã chứng tỏ sự chuyên nghiệp cao độ của mình trong một cuộc đấu không khoan nhượng. Nhờ thế, Huyền mới có 1 HCV cùng 1 chuẩn Olympic thứ 2 với thông số vừa đủ: 52 giây 00. Còn Lan đã có một bài học, trải nghiệm nữa cho mình, mà suy cho cùng Điền kinh Việt Nam được hưởng lợi.

Công Lịch vượt kỷ lục SEA Games vẫn… nhì

Hôm qua là một ngày buồn với anh em nhà họ Quách, và riêng với người anh Công Lịch giống như một bi kịch. Tuyển thủ xứ Thanh đã có một màn trình diễn vô cùng xuất sắc, vượt lên dẫn đầu suốt 30m cuối, trước khi để đối thủ Sukkaew Kunanong (Thái Lan) đuổi kịp, rồi về đích hơn chỉ trong khoảnh khắc của cú ưỡn ngực và một đầu ngón chân. Chỉ cần Lịch không bất ngờ loạng choạng trong tích tắc, anh đã làm nên lịch sử.

Càng đau hơn cho Lịch bởi thành tích của anh đã vượt cả kỷ lục SEA Games từ 20 năm trước (46 giây 02 so với 46 giây 05) song vẫn phải về Nhì, vì đối thủ còn hay hơn và mình thiếu cả bản lĩnh cùng may mắn. Đây là tấm HCB cá nhân thứ 2 của anh, và có lẽ được an ủi phần nào từ chiến tích tuyệt vời của người yêu… Nguyễn Thị Huyền.

Chỉ giành thêm 1 HCV của Nguyễn Thị Huyền, Điền kinh Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu 11 HCV. Rất đáng tiếc, và đó cũng là một vấn đề của môn này khi có rất nhiều nội dung chỉ dừng lại ở HCB, mà riêng hôm qua đã có tới 7 lần về Nhì, để rồi chung cuộc bị Thái Lan vượt qua nếu so về số HCV (17).

Đội tuyển Bắn súng đã bất ngờ có tấm HCV thứ 4 do công của xạ thủ bắn đĩa bay kỳ cựu Lê Nghĩa. Sau 12 năm kể từ SEA Games 2003, Lê Nghĩa mới tái chiếm được ngôi đầu, sau chiến thắng sát nút 12-10 ở chung kết trước đối thủ Malaysia.

HÀ THẢO (từ Singapore)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm