Thúy Hiền chỉ là ngoại lệ
Với những thành tích sáng giá cùng ảnh hưởng đặc biệt, nhà vô địch thế giới wushu Nguyễn Thúy Hiền đã nhận sự tưởng thưởng xứng đáng. Ngôi sao này sở hữu phần thưởng là một căn hộ chung cư chất lượng trên phố Nguyễn Chí Thanh, rồi được đặc cách vào biên chế ngành thể thao Hà Nội ngay sau khi giải nghệ.
Tuy nhiên, Thúy Hiền chỉ là một trường hợp ngoại lệ, một phần vì đẳng cấp, tầm vóc của chị quá nổi trội, phần nữa do nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của lãnh đạo Hà Nội. Như thừa nhận của chính Hiền, đó thực sự là sự may mắn, chứ nếu căn cứ đúng vào quy định, chưa biết đến bao giờ mới có thể trở thành người “trong khung” của thể thao Hà Nội.
Cùng đợt với Hiền vào năm 2003, còn có 10 HLV, VĐV xuất sắc khác cũng được đặc cách, sau 4 năm ngành thể thao Hà Nội đề xuất và chờ đợi. Trong số này, có những người trải qua cả chục năm làm HLV hợp đồng với mức thu nhập bèo bọt như Trịnh Quốc Việt (bắn súng), Vũ Bích Hường (điền kinh), Nguyễn Phương Lan (wushu). Đây cũng là lần duy nhất mà “cửa” vào ngành rộng mở với các HLV, VĐV. Mãi năm ngoái mới có thêm võ sĩ wushu Dương Thúy Vi được xét đặc cách nhờ chiến tích xuất sắc đoạt HCV ASIAD 2014.
Mới đáp ứng 15% nhu cầu đầu ra
Sau 17 năm gắn bó với đường chạy, 5 năm làm HLV hợp đồng, cựu vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ đã phải nộp đơn xin nghỉ, để bắt đầu một hành trình “vào đời lại” trong tình cảnh không tiền, không nghề, cùng chấn thương đầu gối nặng. Có thể một phần xuất phát từ khả năng, song Nụ đã không còn có đủ động lực và niềm tin để tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu trở thành một HLV “trong khung” của đội điền kinh Hà Nội.
Cả “lứa “VĐV Vàng” của Hà Nội - mà Nụ là một gương mặt nổi bật - từng giúp điền kinh Việt Nam thăng hoa tại SEA Games 2003 trên sân nhà, không ai còn có cơ hội gắn bó với đường chạy với tư cách HLV. Người có lẽ may mắn nhất, cựu kỷ lục gia Nguyễn Thị Tĩnh đã được vào biên chế song lại là chuyên viên của Phòng Thể dục Thể thao Quần chúng, công việc không còn liên quan gì đến chuyên môn trực tiếp.
Theo thống kê, kể từ sau SEA Games 2003, thể thao Thủ đô mới chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu việc làm của các VĐV giải nghệ. Chỉ một số ít các cựu tuyển thủ xuất sắc, có đóng góp và năng lực phù hợp được bố trí làm HLV của các môn, còn lại đều phải tự xoay sở. Một phần nhỏ làm giáo viên thể chất, trong khi phần lớn phải chấp nhận làm… lao động tự do.
Nhìn từ mặt khách quan, rõ ràng cả 42 bộ môn của thể thao Hà Nội dù có quy mô rất lớn và ngày càng tăng, không thể đáp ứng được nguyện vọng làm HLV của các VĐV sau khi giải nghệ. Quan trọng hơn, ngành thể thao Thủ đô gần như không có giải pháp nào để lo đầu ra cho các VĐV.
Vấn đề đầu ra trở nên bức bách, và phần nào đó bế tắc, trong bối cảnh thể thao Hà Nội đang phát triển “nóng” với một hệ thống gồm trên 3.500 VĐV các tuyến. Không chỉ đích nhắm HLV mà cả giáo viên thể chất đang ngày càng hạn hẹp. Và suốt nhiều năm nay, cả nghìn VĐV Thủ đô may ra chỉ vài người có việc.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có một chiến lược, nghị quyết riêng với các giải pháp, nguồn kinh phí đảm bảo cho thể thao thành tích cao. Thế nhưng, Hà Nội lại chưa hề có một chế độ riêng thích đáng về lương thưởng, đầu ra đối với đối tượng lao động trực tiếp, là các HLV, VĐV, kể cả những người đặc biệt xuất sắc. Mãi đến trước ASIAD 2014, thể thao Thủ đô mới được hưởng một ưu tiên hiếm hoi khi tuyển thủ giành HCV cá nhân ASIAD và huy chương cá nhân Olympic sẽ được xét đặc cách vào biên chế.