10 tỷ đồng để có Ánh Viên vẫn… rẻ
Ngay từ khi tài năng sinh năm 1995 quê Cần Thơ nổi lên tại SEA Games 2011 với 2 tấm HCB quý giá, một số địa phương đã sớm nhìn ra sức vươn phi thường, mà phía sau đó là cả một “mỏ Vàng” có một không hai trong tương lai gần. Họ đã bằng cách này hay cách khác tiếp cận với gia đình, HLV cơ sở và HLV đang trực tiếp dẫn dắt kình ngư này để quyết tâm “chèo kéo” Ánh Viên.
Những khoản “lót tay” với các mức tiền tỷ, mà cao nhất lên tới 2 tỷ đồng đã được đặt ra cho Viên, cùng với cam kết về mức lương thưởng cao ngất, điều kiện tập huấn thi đấu tốt nhất.
Trong đó, một số nơi thậm chí còn có lời đề nghị hấp dẫn về một chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ hay Úc cho Ánh Viên, trước khi ngành thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội tính tới.
Rất may cho thể thao Quân đội, Ánh Viên và gia đình đã xác định rõ sẽ gắn bó với màu áo lính, bởi sự ổn định hiện tại và đảm bảo tương lai lâu dài. Nhằm ứng phó với nguy cơ có thể mất “con độc” của cả làng bơi Việt này, thể thao Quân đội cũng lập tức có các chế độ ưu đãi, cũng giống như hình thức ràng buộc đặc biệt, từ chuyến tập huấn Mỹ đến việc đặc cách nâng quân hàm cho Ánh Viên lên Thiếu úy…
Trong suốt 4 năm bước lên đỉnh cao quốc tế vừa qua, Ánh Viên lúc nào cũng được (hay bị) đặt vào “tầm ngắm” tiền tỷ, cho dù chị và gia đình luôn khẳng định quan điểm “nói không” một cách dứt khoát. Trong khi đó, lãnh đạo ngành thể thao một số địa phương vẫn luôn nuối tiếc, vì “chi 10 tỷ đồng để đền bù phí đào tạo và hỗ trợ cho Ánh Viên để có được siêu kình ngư này vẫn… rẻ”.
TP.HCM là “nạn nhân” thường trực
Nhờ ý thức của bản thân Ánh Viên, và quan trọng hơn sự khác biệt của thể thao Quân đội nên siêu kình ngư có thể sẽ không còn bị “đeo bám” bằng mọi cách. Có thể coi Ánh Viên “miễn nhiễm” với môi trường của bơi Việt Nam đã đổi khác nhanh chóng chỉ qua vài năm.
Bên cạnh những mặt tích cực, môn này bắt đầu xuất hiện tình trạng nhốn nháo, căn bệnh “ăn xổi” thành tích của một số địa phương trước đó chưa đầu tư hoặc đầu tư hạn chế cho bơi. Họ không có VĐV tại chỗ song lại sẵn tiềm lực kinh tế, mối quan hệ và đang khao khát huy chương.
Và ở đây, họ chỉ còn cách áp dụng chiêu trò cũ mèm mà hóa ra vẫn rất hiệu quả trong bối cảnh hiện tại của TTVN là “đi đêm” và “bắn tỉa” VĐV giỏi của những nơi có lực lượng tương đối dồi dào, hay chế độ chính sách đối với VĐV bất cập hoặc hợp đồng lỏng lẻo. Từ đó, các “nhà thiết kế” đứng sau lưng VĐV hay gia đình VĐV để tạo dựng nên một quy trình rời khỏi đơn vị cũ, vì đủ các lý do và hình thức khác nhau.
Do đó, dễ hiểu vì sao TP.HCM bỗng dưng trở thành “nạn nhân” đầu tiên của xu hướng “bắn tỉa”trong làng bơi Việt, với trường hợp của 2 tài năng trẻ sáng giá nhất Nguyễn Diệp Phương Trâm và Nguyễn Hữu Kim Sơn. “Lò” đào tạo trẻ số 1 này sở hữu một lực lượng kình ngư các tuyến đông đảo và chất lượng nên sẽ được “nhắm” tới đầu tiên, nhất là khi khả năng ràng buộc của họ với VĐV yếu cả về hành lang pháp lý lẫn vai trò của các nhà quản lý huấn luyện.
Còn phải kể thêm “dấu ấn”, phần nào đó giống như một thứ “quyền lực” từ các bậc phụ huynh của bơi Sài thành, mà hiếm nơi nào lại như thế.
Với vòng xoáy phức tạp cùng lỗ hổng ngay từ nền tảng của bơi Việt Nam, việc TP.HCM có thể tiếp tục bị “tấn công” sau lưng và mất thêm quân là một nguy cơ thường trực. Đơn giản vì trong số khoảng 20 kình ngư đạt trình độ tranh chấp từ huy chương quốc gia trở lên, đơn vị này chiếm tới quá nửa. Mỗi vụ tranh chấp đi/ở nổ ra lại giống một “trái bom” bởi tài năng của bơi Việt Nam ngày càng quý và hiếm.
Chỉ cần sở hữu một tài năng trẻ như kình ngư nhí Phương Trâm - hiện vẫn chưa ngã ngũ chuyện đi/ở với TP.HCM - một địa phương không mất công sức phát hiện, đào tạo qua 7 năm đã yên tâm “giải quyết” được cả chục tấm huy chương, kể cả HCV tại giải quốc gia. Tuyển thủ Việt Nam trẻ nhất tại SEA Games 28 cũng đã có thể tranh chấp huy chương SEA Games, tiệm cận thành tích châu lục. Theo giới chuyên môn, có bỏ ra tiền tỷ mỗi năm đưa Phương Trâm sang Mỹ tập huấn, trả lương/thưởng ở mức đặc biệt vẫn là quá rẻ.