Tiền thưởng tăng 5 lần
Với chiến tích xuất sắc giành 73 HCV, 53 HCB và 60 HCĐ tại SEA Games 28, đoàn TTVN đã nhận được tổng số tiền thưởng theo quy định của nhà nước là 15,22 tỷ đồng (9,385 tỷ đồng cho VĐV và 5,835 cho HLV). Mức này gấp tới hơn 5 lần so với con số khiêm tốn chỉ 3,1 tỷ đồng của 2014, năm mà TTVN đã thất bại nặng ở ASIAD. Nếu cộng cả nguồn thưởng của đơn vị chủ quản, họ có thêm khoảng 10 tỷ đồng.
Ngoài SEA Games, 2015 cũng là năm mà một số ĐTQG hay cá nhân tuyển thủ đã có thêm nhiều khoản tiền thưởng đáng kể nhờ thành công tại các giải quốc tế khác. Như cử tạ (2 HCB, 2 HCĐ thế giới) hay kỳ thủ nhí giành chức vô địch U.8 thế giới Cẩm Hiền, tuyển thủ canoeing đăng quang giải châu Á Nguyễn Thị Phương…
Trên 200 tuyển thủ có một khoản thu nhập từ thưởng thành tích ít nhất cũng 30 triệu đồng (tương ứng với 1 HCĐ SEA Games), phổ thông là khoảng 50-60 triệu đồng. Vài chục ngôi sao thậm chí vượt qua con số 100 triệu đồng. Cá biệt kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền lĩnh thưởng lên tới gần 1 tỷ đồng, tính cả tiền mặt cùng hiện vật. Và siêu kình ngư Ánh Viên thậm chí còn “gặt hái” tới gần 4 tỷ đồng.
Hàng nghìn tuyển thủ nhận lương ngang… osin
Nếu nhìn từ bề nổi, có thể thấy, làng VĐV Việt đã có một năm nhiều niềm vui tinh thần và thu hoạch thiết thực, gắn với bước đột phá về nhiều mặt tại SEA Games. Khoảng 30 tỷ đồng tiền thưởng từ nhiều nguồn đã thực sự giúp cho cuộc sống của hàng loạt VĐV cùng HLV đổi khác, một số trường hợp giống như một sự đổi đời.
Thế nhưng, thành quả ấy vẫn chỉ dành cho một nhóm nhỏ gồm các ngôi sao, chỉ chiếm 15-20% trong tổng số hơn 1.200 tuyển thủ quốc gia của 40 môn.
Hàng nghìn tuyển thủ còn lại cũng miệt mài tập luyện hàng ngày, nỗ lực cao độ chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế song không giành được thành tích để có thưởng. Họ chỉ biết trông vào khoản tiền công tập luyện tính theo ngày với mức chỉ 150.000 đồng/người/ngày. Có nghĩa là, nếu tập đủ 26 ngày, một tuyển thủ cũng chỉ nhận tối đa 3,6 triệu đồng mỗi tháng. Do hầu hết tuyển thủ đều không thể tập đủ 26 ngày nên khoản thu nhập phổ thông thường xê dịch từ 3,0 đến 3,2 triệu đồng.
So với mặt bằng chung xã hội, mức thu nhập mỗi tháng từ tiền công tập luyện ngày nào hưởng ngày ấy của các tuyển thủ quốc gia hiện tại chỉ ngang thu nhập của người giúp việc. Với mức lương bèo bọt ấy, những người đã làm nên “bộ mặt” của TTVN chỉ đủ chi dùng cho các nhu cầu hàng ngày của bản thân, hoàn toàn không có tích lũy hay có thể hỗ trợ gia đình.
Như nhìn nhận của chính các “khổ chủ”, mức tiền công 3 triệu bây giờ thậm chí còn có giá trị kém hẳn mức 2 triệu của cách đây 10 năm. Nghịch cảnh mà hàng nghìn tuyển thủ quốc gia đang phải gánh chịu xuất phát từ sự bất cập trong quy định về tiền ăn, tiền công được áp dụng từ cách đây 4 năm.
Nó đã sớm bộc lộ bất cập trước điều kiện vật giá, và ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, động lực của các đối tượng lao động đặc thù song chưa hề được xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
VĐV cấp tỉnh chưa đạt nổi 2 triệu
Cả nghìn tuyển thủ quốc gia cũng chỉ lĩnh trên 3 triệu và tối đa 3,6 triệu đồng mỗi tháng, đủ biết mức thu nhập cho các VĐV tuyến dưới còn thảm tới mức nào.
Với mức phổ biến hiện tại là 75.000-80.000 đồng cho 1 ngày công tập luyện, hàng chục nghìn VĐV thuộc tuyến một của các địa phương (Đội tuyển tỉnh/thành) có thu nhập chưa nổi 2 triệu đồng/tháng. Đơn cử với mức 80.000 đồng, một VĐV tập đủ 26 ngày mới có cơ hội nhận 2,08 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập của tuyến trẻ cấp địa phương còn thấp hơn nhiều với chỉ khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng, mức 55 đến 60 nghìn đồng cho 1 ngày công tập luyện.
Các tuyển thủ quốc gia được tính tiền công theo ngày, nghỉ ngày nào bị trừ ngày ấy. Rất nghịch lý, vì riêng 4 ngày Chủ nhật, dù có tập luyện hay thi đấu, họ cũng không được tính vì phải theo quy định chung của nhà nước.
Các mức tiền công, tiền ăn đang áp dụng được thực hiện theo Thông tư Liên ngành về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao, có hiệu lực từ tháng 7/2012. Trong đó, các Bộ/Ngành liên quan đã không còn đưa vào điều khoản sẽ xem xét điều chỉnh khi điều kiện vật giá thay đổi từ 20% trở lên như các Thông tư liên ngành trước đó. Rất đáng tiếc vì Thông tư cũng chưa đưa ra mức quy định “sàn” cho các địa phương nên mỗi nơi thực hiện một kiểu, và nhìn chung đều ở mức thấp, tùy theo khả năng, hay đơn giản sự quan tâm đối với thể thao.