Câu chuyện buồn về ngày Tết “tay trắng” của hàng nghìn VĐV quốc gia

thứ năm 28-1-2016 22:45:16 +07:00 0 bình luận
Kết thúc năm 2015, rất nhiều tuyển thủ quốc gia sẽ có một cái Tết ấm cúng nhờ thành công đặc biệt tại SEA Games 28 cùng khoản tiền thưởng tăng vọt. Thế nhưng phía sau đó là hàng nghìn VĐV “tay trắng” về nhà khi không có thành tích.

Ánh Viên cũng chỉ… 2 triệu đồng

Siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên chắc chắn là tuyển thủ giàu thành tích và tiền thưởng nhất trong năm của TTVN. Tổng số tiền thưởng mà Ánh Viên nhận được từ các nguồn khác nhau cho kỳ tích giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28, cũng như 1 HCB, 2 HCĐ Cúp thế giới sẽ chắc chắn vượt qua 2 tỷ đồng. Nếu tính cả hiện vật, con số phải lên tới khoảng 4 tỷ đồng, trong đó có 1 căn hộ chung cư tại TP.HCM trị giá 1,5 tỷ đồng do một mạnh thường quân tặng.

ánh viên

Thế nhưng, riêng về chuyện thưởng Tết, tuyển thủ bơi số 1 Việt Nam cũng phải chạnh lòng, thậm chí còn cảm thấy may mắn hơn hàng loạt đồng nghiệp khác khi ít ra cũng nhận được một khoản mang tính… tượng trưng. Theo quy định dành cho quân nhân chuyên nghiệp, nữ Thiếu tá Quân đội trẻ nhất nước sẽ nhận được 2 triệu đồng thưởng Tết từ đơn vị chủ quản Trung tâm TDTT Quốc phòng 4, giống như năm ngoái.

Với một chuyên gia “săn” huy chương như Ánh Viên, thưởng Tết có hay không chẳng quan trọng và chắc chắn nó không khiến chị bận tâm. Tuy nhiên, chính “tỷ phú” của làng thể thao Việt cũng phải trăn trở vì một thực tế chung khi các VĐV Việt Nam dù thành tích có xuất sắc như thế nào và ở nơi đâu cũng không hề được thưởng Tết “khủng” như các cán bộ ngân hàng, hay đơn giản cũng có một khoản gọi là như... công nhân may.

Không thành tích là “tay trắng”

Có thể những tuyển thủ quốc gia hàng đầu như Ánh Viên hay các cầu thủ bóng đá và phẩn nào cả bóng chuyền, sẽ không mấy bận tâm đến chuyện thưởng Tết vì hoặc đã có tiền thưởng thành tích, hoặc thu nhập hàng tháng cao, rồi CLB có nhà tài trợ. Thế nhưng, phần đông trong số cả mấy nghìn VĐV các tuyến của TTVN lại đang chuẩn bị đón Xuân mới trong sự ngậm ngùi vì không biết lấy đâu ra tiền lo cái Tết cho gia đình.

Dân thể thao, hầu hết chỉ thuộc diện hợp đồng tập luyện thi đấu, lâu nay chưa bao giờ biết đến cái gọi là tháng lương thứ 13. Các đơn vị thể thao trong cả nước đều là đơn vị sự nghiệp, tiền nhà nước bao cấp vốn đã quanh năm phải “giật gấu vá vai” cho hoạt động lấy đâu ra nguồn… thưởng Tết. Các quỹ mang tính xã hội hóa của ngành thể thao cũng không hề có...

ttvn

Giới VĐV đã quá quen với tình cảnh nếu trong năm không có huy chương quốc tế coi như “tay trắng” về nhà ăn tết. Lãnh đạo ngành thể thao cũng rất khổ tâm song không biết xoay sở như thế nào, mà đành phải vận dụng theo cách của con nhà nghèo... Đó chỉ là một buổi tổng kết liên hoan đơn giản được tổ chức, với một phần quà là cuốn lịch, hộp mứt chai rượu, hay cặp bánh chưng, trích từ quỹ công đoàn.

Khoản duy nhất mà các VĐV “dắt lưng” chính là số ngày ăn trong thời gian nghỉ Tết được linh động cắt cho mang về nhà, một tuyển thủ quốc gia hưởng chế độ cao cũng chưa nổi 2 triệu đồng còn VĐV năng khiếu địa phương thậm chí chỉ vài trăm nghìn. Nó ít tới mức chỉ đủ mua một bộ quần áo mới cho bản thân, hay một cành đào, cây quất mang về nhà.

Hiện tượng các VĐV, không chỉ ở các địa phương khó khăn mà ngay cả ĐTQG, không về nhà vì không có tiền mà ở lại cùng nhau đón Tết nghèo đặc thù VĐV không hề hiếm. 

Do năm nay SEA Games diễn ra vào tháng 6, và ASEAN Para Games cũng kết thúc từ đầu tháng 12 nên ngành thể thao đã hoàn thành các thủ tục để các HLV, VĐV được nhận tiền thưởng thành tích sớm nhất có thể. Tính đến thời điểm này, mọi khoản thưởng thành tích tại SEA Games (15,22 tỷ đồng), ASEAN Para Games (trên 4 tỷ đồng) cùng các giải đấu quốc tế đều đã được chi trả. 

Kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền.

"Bao năm nay, chúng tôi đã quá quen với việc không có thưởng Tết, cả trên ĐTQG lẫn đơn vị chủ quản. Như ở ĐTQG, thầy trò chúng tôi mỗi dịp nghỉ Tết đều tự tổ chức một buổi liên hoan tất niên, với kinh phí trích từ quỹ. Mỗi VĐV cũng có một tờ lịch cùng hộp mứt, chai rượu gọi là món quà mang về nhà cùng vài trăm nghìn đồng tiền tàu xe”. Kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền.

"Ngân sách ngành thể thao được cấp hàng năm chỉ để chi trả tiền công, tiền ăn và các chế độ khác chứ không có khoản nào cho tháng lương thứ 13 hay thưởng Tết. Chúng tôi cũng rất trăn trở và chia sẻ song thực sự không thể có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ cho các tuyển thủ quốc gia một khoản riêng để về quê đón Tết. Các Trung tâm Huấn luyện Thể thao QG và từng đội tuyển trong điều kiện cụ thể của mình luôn cố gắng có các hình thức động viên thiết thực và ý nghĩa song thực sự cũng chỉ mang tính tinh thần là chính”. Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm