Đắng lòng chuyện VĐV quốc gia ước lương, thưởng như... 10 năm trước

thứ tư 27-1-2016 22:53:21 +07:00 0 bình luận
Mức thu nhập thực tế của hàng ngàn tuyển thủ QG bây giờ chỉ bằng phân nửa 10 năm trước. Khi đó, ngoài tiền công, tiền ăn trên Tuyển, họ còn được giữ mọi chế độ tại địa phương. Thế mới nghịch lý.

“Bao giờ cho đến ngày xưa?”  

Cách đây 10 năm, thu nhập của các tuyển thủ quốc gia dù chưa so được với xã hội song lại vượt hẳn lên mặt bằng chung dân thể thao nhờ sự ưu tiên đặc thù. Cụ thể, khi lên làm nhiệm vụ quốc gia, ngoài tiền công, tiền ăn trên Tuyển, họ còn được giữ mọi chế độ đang được hưởng tại địa phương. Coi như các VĐV lên ĐTQG có 2 mức lương và nó giúp họ nhiều về tài chính, khi các nhu cầu sinh hoạt, tiêu pha của bản thân đã được nhà nước lo.

ttvn

Tùy theo quy định từng nơi song thời điểm ấy, tuyển thủ nào cũng bỏ riêng ra được 1,5 tới 2 triệu đồng mỗi tháng làm khoản tích lũy hay lo cho gia đình. Chính điều đó đã tạo ra một động lực thiết thực khiến cho các VĐV cũng quyết tâm nỗ lực cao độ để được gia nhập ĐTQG và hoàn toàn yên tâm cống hiến. Thậm chí, nhiều tuyển thủ đã có thể bắt đầu nghĩ tới chuyện sẽ có thu nhập cao, nếu như mức tiền công và tiền ăn được tăng lên.

Thế nhưng tất cả đã thay đổi vào 2007, gắn với sự điều chỉnh của Bộ Tài chính. Trong thời gian lên tập huấn thi đấu ĐTQG, các tuyển thủ quốc gia chỉ còn hưởng tiền công, tiền ăn trển Tuyển còn các chế độ tại địa phương bị cắt. Thu nhập của mỗi tuyển thủ vì thế đều  bị giảm tới một nửa.

Cú “sốc” mang tên Thanh Hằng

Cuối 2008, ngôi sao số 1 của điền kinh Việt Nam đã tạo nên một cú sốc cho cả làng thể thao với quyết định chia tay TP.HCM với lý do thu nhập. Theo quy định tài chính mới, chị không còn được hưởng chế độ tại địa phương như trước, đồng thời từ tháng 10/2008, Hằng đề xuất xin “trợ cấp” tương ứng và đã được lãnh đạo hứa nhưng chỉ để đấy.

điền kình

Giảm 1 triệu trong tổng thu nhập chưa nổi 3 triệu đồng, cuộc sống của “Nữ hoàng điền kinh” bị ảnh hưởng nặng nề và Hằng gần như bất lực, không thể giúp được gì gia đình vốn đang rất khó khăn. Chị thẳng thắn thừa nhận thực trạng đó và trước khi dứt áo ra đi đã luôn phải canh cánh trong nhiều tháng về nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Kỷ lục gia SEA Games này cũng mong muốn trường hợp điển hình của mình có thể khiến những người có trách nhiệm thấu hiểu với thực tế khó khăn cũng như bất hợp lý về thu nhập của ngay cả các tuyển thủ quốc gia để có những điều chỉnh hợp lý.

Phải chờ đến 4 năm sau cú sốc mang tên Trương Thanh Hằng, thu nhập của các VĐV khoác áo ĐTQG mới được bù đắp khi nhà nước nâng mức tiền công tập luyện cho các tuyển thủ quốc gia từ 70 ngàn lên 150 ngàn đồng/ngày.

Lại thua 10 năm trước

Mức tiền công 150 ngàn đồng cho mỗi ngày tập luyện áp dụng từ 2012 sau một thời gian ngắn giúp cho các tuyển thủ quốc gia có một thu nhập tương đối lại nhanh chóng bộc lộ bất cập. Tính trên điều kiện vật giá, số tiền trên 3 triệu đồng mỗi người lĩnh mỗi tháng hiện tại có thể ngang hay hơn 10 năm trước song giá trị thực tế chỉ bằng một nửa.

ttvn

Điều đáng nói, do không thể có cơ chế cho VĐV vẫn được hưởng cả 2 nguồn thu nhập do trái quy định tài chính nên dù biết là bất cập nhưng đến giờ cả ngành thể thao vẫn… bó tay. Mong mỏi của giới chuyên môn về cần tiến tới một chế độ phụ cấp ưu đãi dành cho các tuyển thủ quốc gia, ngoài những khoản tiền công, thưởng vẫn chỉ là một giấc mơ vời xa.

Và ngay cả một đòi hỏi chính đáng được nâng tiền công tập luyện lên cho phù hợp, ở mức  300.000 ngàn đồng/ngày để có một khoản thu nhập trên dưới 7 triệu đồng cũng còn đang bất khả thi.

Trong các năm SEA Games, các tuyển thủ đều chấp nhận hy sinh, thua thiệt với hy vọng có thể giành huy chương, nhận tiền thưởng để bù đắp. Tuy nhiên, nếu là năm ASIAD hay Olympic mà thành tích ngoài tầm với của đa số VĐV Việt Nam, câu chuyện rất khác.

Thực tế, có rất nhiều VĐV xuất sắc, nhất là các VĐV ở khu vực phía Nam được triệu tập ra ĐTQG tại Trung tâm HLQG Hà Nội đã xin phép được… từ chối lên ĐTQG. Mức thu nhập vốn thấp và chỉ ngang khi ở địa phương trong khi họ phải gánh thêm rất nhiều khoản chi phí sinh hoạt và phải chịu quá nhiều hy sinh khi sống xa nhà quanh năm suốt tháng.

"Mức tiền công tối đa 3,6 triệu đồng/tháng với các tuyển thủ quốc gia chỉ ngang với mức lương của lao động phổ thông. Mức thu nhập quá thấp khiến cho các tuyển thủ thực sự không yên tâm khi lên Tuyển. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị và sẽ tiếp tục đề nghị, rất mong nhà nước xem xét nâng mức tiền công cho VĐV.” Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm