Những chuyên gia tạo cột mốc
TTVN từng có những tên tuổi nữ lẫy lừng, không hề thua kém bất cứ VĐV nam nào đơn cử như nhà Quán quân bơi châu Á Vũ Thị Sen hay kỷ lục gia đường chạy việt dã Trần Thị Soa… Thế nhưng chưa bao giờ vai trò và sự đóng góp của phái nữ lại áp đảo như thời kỳ đổi mới. Họ chính là chuyên gia của những cột mốc, mang tính đột phá giúp TTVN hội nhập quốc tế nhanh mạnh, thậm chí chinh phục các đỉnh cao châu lục và thế giới.
Ngay kỳ SEA Games 1989 mà TTVN tái xuất, 2 trên 3 HCV giành được do công của các nữ xạ thủ, với bộ đôi xạ thủ xuất sắc Ngô Ngân Hà và Đặng Thị Đông. Ở Đại hội kế tiếp, Đặng Thị Đông đã gây chấn động làng thể thao khu vực khi trở thành người duy nhất phá được kỷ lục châu Á.
Đến SEA Games 1995 cũng một VĐV nữ - Vũ Bích Hường - mang về cho điền kinh Việt Nam chức vô địch đầu tiên… Truyền thống ấy được tiếp nối hào hùng với nhiều VĐV nữ tài năng đã tạo ra những thành quả bước ngoặt cho sự phát triển, nổi bật như “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương hay mới nhất là “siêu kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên.
Với đấu trường đỉnh cao nhất Olympic, người đã tạo ra dấu son quyết định cũng chính là một gương mặt nữ: Võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Chị đã mang về tấm HCB lịch sử ở Olympic 2000, một kỳ tích làm nức lòng người dân cả nước, khiến cả đấu trưởng thể thao quốc tế nể phục. Rồi khi sân chơi ASIAD được coi là đích nhắm chính, tuy các tuyển thủ nam đi tiên phong nhưng ưu thế vượt trội lại đang thuộc về phái nữ. Ở 4 Đại hội trở lại đây, các nữ VĐV đoạt tới 7 trên 8 HCV.
Tính tổng thể, các VĐV nữ đang nắm giữ 60-70% thành tích quốc tế của TTVN, một tỷ lệ cao vào loại hàng đầu thế giới.
Thực tế nhói lòng
Các VĐV Việt Nam nói chung đã phải chấp nhận những gian khó đặc thù. Tuy nhiên, điều đáng nói, khó khăn lại được được thể hiện nhất với các VĐV nữ. Họ luôn phải chiến đấu và vượt khó bằng tài năng, niềm đam mê và sự bền bỉ phi thường.
Ngoài những thiệt thòi chung về chấn thương, bệnh tật, rồi thu nhập, lương thưởng, sự khắc nghiệt của thể thao…, các nữ VĐV còn có những nỗi niềm riêng như thể “nghiệp chướng”. Họ đã phải mất đi những điều tưởng như bình thường, đơn giản nhất song lại là vô giá, không có gì đo đếm được: Nhan sắc, tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí là cả hạnh phúc riêng tư…
Chẳng ai có thể cầm lòng trước những trường hợp chấn thương đến mức tàn phế cả đời như của đô vật Lê Thị Huệ, trước đôi bàn tay bà già cùng chấn thương đủ loại của ngôi sao thể dục dụng cụ Hà Thanh, trước cuộc sống bi đát của “tượng đài điền kinh” Vũ Bích Hương, trước con số đáng giật mình khi quá nửa số các cầu thủ nữ không thể tìm được tổ ấm cho mình, chỉ vì trót trao thân gửi phận cho nghiệp bóng đá…
Vị thế cùng sự hy sinh, thiệt thòi của các nữ VĐV nữ đặc biệt là thế. song chưa bao giờ họ được hưởng những chế độ chính sách đãi ngộ riêng, từ chuyện lương thưởng, nơi ăn chốn ở, đến học hành, công việc sau khi giải nghệ...
Thậm chí, người ta còn quan niệm một khi phụ nữ đến với thể thao, chuyện khổ sở, vất vả, bất công là… đương nhiên.
Cùng với cố xạ thủ Trần Oanh, “tượng đài wushu” Nguyễn Thúy Hiền (4 HCV thế giới, 5 HCV châu Á, 6 HCV SEA Games) được ngành thể thao vinh danh là “Nữ VĐV thế kỷ XX”.
Từ lâu, mọi người đã quá quen với một Thúy Hiền xinh đẹp, duyên dáng trên bục vinh quang. Thế nhưng phía sau đó là những nghịch lý và nỗi niềm mà chị phải trải qua, chịu đựng, như một định mệnh gắn với nghiệp thể thao.
Hậu quả của những chấn thương đủ loại, từ đấu gối, lưng đến cổ… khiến cho thể lực của Hiền luôn là vấn đề, liên tục bị hành hạ và cơ thể chị như thể một “chiếc máy dự báo thời tiết”. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng loạt nữ tuyển thủ xuất sắc sau khi giải nghệ, đặc biệt ở các môn điền kinh, võ vật, thể dục dụng cụ…
Những bước tiến của TTVN có dấu ấn quan trọng bậc nhất của chiến lược “lấy nữ làm chủ công” được ngành thể thao xác lập ngay từ khi tái hội nhập quốc tế. Trong khi một số chiến lược khác điển hình là “đi tắt đón đầu” đã bộc lộ sai lệch cơ bản thì chiến lược này ngày càng khẳng định sự đúng đắn và triển vọng phát triển.