Môn TT lần đầu xuất hiện ở SEA Games 28: Rugby sevens không dành cho… Việt Nam

thứ bảy 13-6-2015 15:50:16 +07:00 0 bình luận
Chỉ mất hai ngày 06 và 07/06, môn Rugby sevens đã kết thúc chóng vánh 2 nội dung dù có 6 quốc gia với tổng số 131 cầu thủ tham dự. Ở giải nam, HCV đã thuộc về đội Philippines (Malaysia HCB, Singapore HCĐ) còn ở giải nữ, HCV thuộc về đội Thái Lan (Singapore HCB, Philippines HCĐ).

Dĩ nhiên với những ai từng có mặt ở Incheon (Hàn Quốc) hồi tháng 9 năm ngoái, họ đã được nghe đến môn Rugby sevens. Còn đây là lần đầu tiên, môn thể thao này xuất hiện tại một kỳ SEA Games, bên cạnh Floorball và Netball.

Rugby sevens còn được gọi là bóng bầu dục 7 người và có thể xem nó là phiên bản của bóng bầu dục thế giới (Rugby) với quy định 15 người mỗi đội. Môn thể thao được cho là rất mới lạ ở Đông Nam Á này có nguồn gốc từ Melrose (Scotland) và được hâm mộ tại một số khu vực của châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Phi, đặc biệt ở Nam Thái Bình Dương.

4chan

Sau khi xuất hiện ở Commonwealth Games (Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung) từ năm 1998, Rugby sevens bắt đầu có mặt tại Asian Games 2014 ở Incheon và sẽ được đưa vào thi đấu tại Olympic Rio 2016.

Về luật chơi, trong một trận đấu Rugby thông thường kéo dài ít nhất 80 phút, mỗi trận đấu của Rugby sevens chỉ bao gồm hai hiệp và mỗi hiệp chỉ kéo dài trong 7 phút, cộng 1 phút nghỉ giữa hiệp. Riêng trận chung kết một giải có thể chơi hơn hai hiệp với mỗi hiệp 10 phút và 2 phút nghỉ giữa hiệp.

Do số cầu thủ ít, nên đặc thù của Rugby sevens là tốc độ và những pha ghi điểm cực nhanh, đặc biệt khi sân thi đấu vẫn là sân Rugby thông thường với chiều dài 100m và bề ngang 70m.

Và cũng giống môn Rugby, khung thành ở Rugby sevens có hình chữ H. Cầu thủ hai đội phải đưa bóng vào phần sân sau vạch khung thành, hoặc sút bóng vào khung thành đối phương.

Hiện nay, New Zealand là quốc gia thống trị môn Rugby sevens với 12 chức vô địch thế giới của nam trong 16 lần tổ chức. Còn tại châu Á, Nhật Bản được xem là cường quốc số 1, rồi mới đến Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Trong khi đó ở Đông Nam Á, bảng xếp hạng của năm 2015 cho thấy Thái Lan và Singapore có vị trí cao nhất, sau là Malaysia và Philippines.

Trong tương lai, việc Rugby sevens được đưa vào thi đấu tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro sẽ giúp môn thể thao này phát triển hơn nữa. Thế nhưng, với Việt Nam thì trở ngại chính, ngoài vấn đề sân bãi, là cầu thủ chúng ta không thích hợp với môn thể thao đòi hỏi tốc độ và cơ bắp như Rugby sevens.

Thực tế, trừ khi SEA Games diễn ra ở Singapore hay Malaysia, Rugby sevens mới xuất hiện trong chương trình thi đấu bởi tầm ảnh hưởng của môn này nếu so với nhiều môn thể thao khác vẫn kém hơn. Đưa môn Rugby sevens vào thi đấu, nước chủ nhà SEA Games 28 đương nhiên đã loại không ít môn  khá phổ biến ở Đông Nam Á và Singapore không có… lợi thế cạnh tranh, như: Vật, Thể hình, Cử tạ.

Để so sánh, SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013 xuất hiện những môn thể thao mới như Vovinam, Muay, Chinlone… trong khi ở Indonesia năm 2011 là Paragliding, Bridge, Fin Swimming, Wall climbing…

Trớ trêu là nhìn bề ngoài, tưởng như SEA Games là Đại hội thể thao mang tính hòa nhập và giới thiệu nhiều môn thể thao mới lạ, chính những môn thể thao đó sẽ giúp các nước chủ nhà cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng và làm giảm số huy chương của đối thủ sau khi đã loại đi nhiều môn không phải là thế mạnh của họ.

Mạnh Hào

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm