Từng giành HCĐ trẻ châu Á với ĐTVN
Chơi bóng bàn từ năm 9 tuổi, tay vợt sinh năm 1989 quê Tiền Giang đã sớm nổi lên như một tài năng trẻ hiếm có của bóng bàn Việt Nam. Ngoài thể hình, thể lực lý tưởng, sự thông minh và cá tính, Tiểu Lân còn có lối đánh tay trái hóc hiểm, cùng cái duyên với các giải quốc tế. Thậm chí, đối thủ càng mạnh Lân càng chơi hay.
Dấu son cho sự nghiệp của Lân chính là giải trẻ châu Á 2007 khi cùng đồng đội Nguyễn Hoàng Chung mang về một tấm HCĐ – chiến tích sáng giá nhất của bóng bàn trẻ Việt Nam. 18 tuổi, Lân đã bay thẳng vào ĐTQG. Chỉ một năm sau, anh lại tiếp tục tạo khác biệt với màn trình diễn đầy ấn tượng ở giải quốc tế Cây vợt Vàng, được bầu làm tay vợt Việt Nam xuất sắc nhất. Trong đó, tuyển thủ trẻ người miền Tây có một chiến thắng để đời trước tay vợt trụ cột và tiên phong được đánh giá rất cao đến từ Nhật Bản.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố song sau đó Lân cứ trầy trật mãi không bứt lên nổi. Một phần vì tính cách khá tài tử, phần nữa bởi anh hay bị chấn thương. Sự nghiệp của anh cũng bị ảnh hưởng nhiều từ câu chuyện đi ở và mưu sinh, ở điều kiện gian khó của bóng bàn Tiền Giang.
“Sao” mới của bóng bàn Campuchia
Sau giải VĐQG mờ nhạt hồi 2012, Lý Tiểu Lân lúc đó đang đầu quân cho đội Dầu khí Việt Nam đã gần như mất hút khỏi các hoạt động bóng bàn đỉnh cao. Dĩ nhiên, trong danh sách ĐTQG cũng không còn thấy tay vợt từng rất được kỳ vọng này. Giới chuyên môn lúc đầu có than tiếc cho sự biến mất của một tài năng trẻ rồi cũng quên nhanh.
Thế nhưng, trước thềm SEA Games 2013, cả làng bóng bàn lại phải xôn xao về Lân trước thông tin cựu tuyển thủ Việt Nam sẽ thi đấu cho Campuchia. Và rồi anh đã xuất hiện đĩnh đạc trong màu áo Campuchia với tư cách mũi nhọn số 1. Rất ly kỳ vì nội dung đồng đội, Lân đã cùng các đồng đội mới chạm trán chính ĐTVN. Dù phần thắng vẫn thuộc về Việt Nam có lực lượng đồng đều hơn nhưng Lân đã khiến các thầy và đồng đội cũ lo sốt vó vì hạ Nguyễn Văn Ngọc ngay trận ra quân.
Hóa ra từ lâu trước đó Tiểu Lân đã lọt vào tầm ngắm của lãnh đạo bóng bàn Campuchia, với ông Chủ tịch cũng là người gốc Việt. Họ đã ra sức vận động cựu tuyển thủ Việt Nam thời điểm đó đang gặp khó, chuyển sang tập luyện, thi đấu trong màu áo ĐTQG Campuchia với rất nhiều ưu đãi. Cân nhắc, cuối cùng Lân mới đồng ý, ngoài khoản thu nhập theo tiết lộ gấp cả chục lần của các tay vợt Việt Nam hàng đầu, điều quan trọng là anh tìm thấy động lực và hướng ra rất sáng cho nghiệp bóng bàn của mình.
Từ mấy năm nay, Lân đã trở thành một ngôi sao mới của bóng bàn Campuchia. Anh giống như một “đầu tàu” để bóng bàn nước này xây dựng lực lượng cũng như gây dựng phong trào. Họ cũng dành sẵn cho Lân một vị trí trong BHL ĐTQG, chính xác hơn anh đang là tuyển thủ kiêm HLV. Hiện tại, anh vẫn thường xuyên về Việt Nam dự tranh các giải mở rộng để cọ xát.
Làng bóng bàn ĐNÁ, kể cả cường quốc Singapore cũng đã thở phào vì đội hình của Campuchia chỉ có Lý Tiểu Lân là tay vợt nhập tịch duy nhất (không có 3 hảo thủ từ Hàn Quốc). Tại giải ĐNÁ 2014, chính các gương mặt gốc Hàn Quốc đã cùng Lân gây sốc khi mang về cho Campuchia tới 2 HCV. Họ đủ sức làm hỏng mục tiêu giành trọn 7 HCV SEA Games của chủ nhà nếu như được thi đấu.
HÀ THẢO