Thế nhưng, điều này cũng chứng tỏ tố chất, sức vươn của họ tốt đến mức nào, và quan trọng hơn còn rất nhiều tiềm năng để khai phá.
Cách đây vài năm, anh em nhà họ Quách cùng người đồng hương Trọng Hinh không thể tưởng tượng nổi có một ngày mình trở thành tuyển thủ quốc gia, được xuất ngoại, giành huy chương quốc tế. Họ đều là con nhà nông dân nghèo người dân tộc Mường của xứ Thanh đã bị bó chặt với cuộc sống đầy lam lũ, vất vả, thiệt thòi. Mới 10-11 tuổi, hàng ngày, anh em Lịch - Lan đã làm đủ thứ việc giúp gia đình: Từ chăn trâu, kiếm củi cho đến nấu mấy nồi cám khổng lồ cho đàn lợn cả chục con. Người dân nơi đây quá quen với hình ảnh Lịch - Lan mỗi người cưỡi trên lưng trâu, với một bó củi to đùng phi từ đồi về nhà.
Còn Hinh, cũng ở tuổi ấy đã phải thường xuyên theo bố mẹ ra đồng để “đánh vật” với 6 sào ruộng trên mảnh đất cằn cỗi. Trừ mỗi chuyện cày bừa được miễn vì quá sức vóc, Hinh phải làm đủ thứ: Từ tát nước, cấy gặt, vác lúa, đạp tuốt lúa, và luôn bị ám ảnh với những buổi ngày mùa quần quật ngoài đồng tới tận đêm khuya.
Bộ ba Lịch - Lan - Hinh có lẽ đã là những người nông dân an phận ở vùng quê xứ Mường xa lắc, hay đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, nếu như không có bước ngoặt thể thao. Nhờ sức vóc của người Mường quen rèn luyện, cả ba được nhà trường cử đi tham dự Hội khỏe Phù Đổng rồi may mắn lọt vào tầm ngắm của các HLV điền kinh Thanh Hóa đi tuyển quân. Khi ấy họ cũng không phải suy tính bất cứ điều gì khi nhận lời lên tỉnh tập luyện thi đấu điền kinh, với suy nghĩ hết sức giản dị, vừa được bao cấp ăn ở lại có thêm vài trăm nghìn mỗi tháng gửi về nhà.
Điều quan trọng, họ sớm được đặt vào một quy trình đào tạo tốt để có thể phát huy cao nhất tài năng, khát khao của mình.
Và đến giờ, ba người con xứ Mường từ lưng trâu và mảnh ruộng cằn ấy đã là những nhà vô địch hay Á quân SEA Games, ASIAD; đang nuôi những giấc mơ lớn cho cả điền kinh Việt Nam.