Cũng vì thế mà khi Levon Aronian bước ra phố, anh được đám đông người hâm mộ chào đón. Các nhà hàng khẳng định anh có thể vào ăn miễn phí, trong khi các ông bố bà mẹ đều lấy tên anh để đặt cho những đứa con mới sinh của họ.
Thật ngạc nhiên là Aronian không phải là diễn viên, nhà hoạt động xã hội hay du hành vũ trụ. Anh chỉ là một kì thủ hay chính xác là kỳ thủ xuất sắc thứ tư thế giới. Và ở một đất nước cờ vua như Armenia, điều đó có nghĩa anh là người hùng của họ.
"Lần đầu tiên người yêu của tôi tới Armenia, chúng tôi dừng xe ở một trạm xăng và họ nói, 'OK, chúng tôi không lấy tiền của anh đâu,'" kỳ thủ 33 tuổi được báo chí nước ngoài ví là “David Beckham của Armenia" tiết lộ. "Cô ấy tỏ ra bất ngờ nhưng với tôi, chuyện này diễn ra thường xuyên.”
Vậy còn biệt danh David Beckham? Một phần là vì Aronian quá nổi tiếng, một phần vì bạn gái của anh không ai khác là Arianne Caoili, kỳ thủ người Australia và có ngoại hình xinh đẹp tới mức chính cô cũng được gọi là "Anna Kournikova của cờ vua."
Tuy vậy, với người Armenia, một đất nước mà cờ vua được đưa vào các trường học và tổng thống Serzh Sargsyan cũng là chủ tịch Liên đoàn cờ vua Armenia, Aronian là ông vua cờ của họ. Họ tự hào vì Armenia chỉ có vỏn vẹn 3 triệu dân nhưng họ có nhiều đại kiện tướng trên đầu người cao nhất thế giới và xuất sắc nhất chính là Aronian. Không có gì ngạc nhiên khi trong 5 giải Olympiad cờ vua gần đây, đội tuyển cờ vua của Armenia dưới sự dẫn dắt của Aronian đã 3 lần giành chức vô địch.
Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là những nhà khoa học thuộc Liên Xô cũ, Aronian đã được chị gái dạy chơi cờ từ năm lên 9 tuổi và chuyển sang chuyên nghiệp ngay năm đó. Còn bây giờ, dù đã được xem là một trong những kì thủ hàng đầu thế giới, anh vẫn dành 4 tiếng mỗi ngày để luyện tập. Tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ cho những chuyến thi đấu kéo dài tới 7 tháng trong một năm, ở mọi giải đấu có số tiền thưởng từ vài nghìn đến hơn 1 triệu USD tiền thưởng.
Con số trên là cao hơn rất nhiều khoản tiền tượng trưng trị giá 120 USD mà chính phủ Armenia trả cho Aronian hằng tháng nhưng ngoài mục đích kiếm tiền, kì thủ 33 tuổi cũng xem sự xuất hiện của anh trên khắp thế giới là cơ hội quảng bá hình ảnh cho Armenia và cờ vua Armenia.
"Tất cả đều có thể thấy những hình ảnh mọi người chơi cờ trong quán cafe, trong công viên, tại các bữa tiệc gia đình, từ người trẻ cho đến người già," giáo sư Aram Hajian, đồng sáng lập Học viện cờ vua Armenia, cho biết. "Nó giống như chuyện thế hệ bởi phần lớn những người tôi gặp khi được hỏi đều chơi cờ và đều nhắc đến cha mẹ hay ông bà đã đưa họ vào môn thể thao này."
Mặc dù vậy, ngay cả với một nước nhỏ và mê cờ vua như Armenia, việc đưa cờ vua vào các trường học trong năm 2011 cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, mục tiêu tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng cờ vua của chính phủ Armenia trong những năm qua lại mang đến những lợi ích không ngờ, đồng thời giải thích tại sao cách làm của họ đang được nhiều nhà giáo dục trên thế giới nghiên cứu, học hỏi. Bởi theo giáo sư Hajian, trẻ em chơi cờ vua sẽ phát triển những kĩ năng về tư duy, sáng tạo, kế hoạch, hi sinh, học cách thắng và thua…
Và điều quan trọng là họ có những thần tượng như Aronian hay Tigran Petrosian, nhà vô địch thế giới trong thập niên 60, để truyền cảm hứng.