(thethao24.tv)- Đội bóng nữ Hưng Yên đang nổi lên như một “hiện tượng” đặc biệt của bóng chuyền Việt Nam khi thể hiện một sức mạnh vượt trội tại VCK giải hạng A toàn quốc để giành quyền thăng hạng sau những trận thắng như chẻ tre. Tuy nhiên, thực chất lại không phải như thế. Bởi họ đã gặt hái thành công nhờ cách tiêu tiền cho việc thuê mướn cầu thủ thời vụ.
Ngay từ trước khi giải khởi tranh, giới chuyên môn đã mặc định sẵn cho Hưng Yên một trong 2 suất của nữ giành quyền lên chơi ở giải VĐQG năm tới. Đơn giản vì ở mặt bằng chung của 5 đội nữ tham dự, Hưng Yên “máu” nhất, có tiềm lực nhất, với những khoản chi theo kiểu “trên tiền” để chiêu mộ về một đội hình có thể chưa ăn thua gì so với một số CLB hàng đầu quốc gia song lại quá “khủng” cho các đội ở giải hạng A.
Trong đó, lãnh đạo đội đã khiến cả làng phải “choáng” khi kéo được chủ công nhập tịch Vũ Mai Ka về, sẵn sàng trả mức lương 4.000 USD/tháng, ngoài số tiền “lót tay” ban đầu không được tiết lộ. Hưng Yên cũng biến mình trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn, nhất là về thu nhập, cho hàng loạt tuyển thủ quốc gia mà nổi bật với 2 gương mặt đến từ “lò” Thông tin, Nguyễn Thị Thanh Hương và Lê Thị Huệ. Tính ra, 12 cầu thủ đăng ký thi đấu chính thức của họ được tập hợp từ… 6 đội bóng khác đều đang dự giải VĐQG. Chỉ tay chuyền 2 Nguyễn Thị Phượng là người bản địa duy nhất trong đội hình.
Với lực lượng cực tốt, dù mang tính ô hợp song vẫn được chuẩn bị tốt hơn hẳn các đối thủ, lại được treo các khoản thưởng hậu hĩnh, nên Hưng Yên đã hoàn toàn vô đối tại giải. Chưa cần thi đấu hết sức, họ vẫn giành những chiến thắng như chẻ tre, theo kiểu không đỡ nổi, trước cả 4 đối thủ, từ Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội cho đến cả Vĩnh Long – đội sở chủ công tuyển thủ quốc gia xuất sắc Hà Ngọc Diễm, cùng một số cầu thủ chất lượng được Bình Điền Long An chi viện.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chỉ cần với một đội hình như hiện tại, Hưng Yên sẽ có thể đóng vai một “ngựa ô” tại giải VĐQG 2015, bởi cả sức mạnh lẫn nguồn lực phía sau của họ đã ngang ngửa với nhiều đội bóng nhóm đầu tại Việt Nam.
Thế nhưng, việc Hưng Yên sẽ góp măt ở giải VĐQG sắp tới như thế nào, hãy còn phải chờ xem lãnh đạo đội giỏi ứng phó tình huống, kết hợp giữa thành tích thời vụ với phát triển lâu dài ra sao. Nếu chỉ xét ở giải vừa rồi, thành tích thăng hạng của Hưng Yên quá thuyết phục và xứng đáng, chỉ có điều, suy cho cùng, nó lại rất “ảo”, không có gì đảm bảo cho tương lai. Đơn giản vì ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp đội bóng Phố Hiến lên hạng, hầu hết các cầu thủ, lại toàn trụ cột, sẽ phải quay trở về với đội bóng cũ của mình. Khi ấy, đơn cử không còn ngoại binh nhập tịch Vũ Mai Ka đang là người của Ngân hàng Công thương Việt Nam, hay hai tài năng trẻ đang lên của Thông Tin LV Post Bank Nguyễn Thị Thanh Hương và Lê Thị Huệ, Hưng Yên coi như sẽ đánh mất quá nửa sức mạnh, sẽ lại rớt xuống nhóm yếu nhất ở giải VĐQG.
Nên nhớ rằng khi ấy cùng ở một giải, làm đối thủ của nhau, kể cả có rủng rỉnh tiền, Hưng Yên cũng cực khó để thuê mượn thời vụ hay chuyển nhượng hẳn cầu thủ tốt của các đội khác.
Câu chuyện lên hạng “ảo” và đốt tiền “thời vụ” của bóng chuyền Việt Nam đã môt lần nữa hội tụ đỉnh cao ở đội nữ Hưng Yên. Song có lẽ chính người trong cuộc không quan tâm, vì quan trọng đội bóng đã hoàn thành mục tiêu lên hạng sau khi đã chi ra nhiều tỷ đồng, còn sau đó có gì lại tính tiếp.
Hà Thảo