270 VĐV Hải Phòng chỉ có 500 triệu đồng kinh phí

chủ nhật 14-2-2016 22:11:12 +07:00 0 bình luận
Thể thao Hải Phòng đang “bó tay” khi 26 môn với 270 VĐV chỉ có 1,5 tỷ đồng cho toàn bộ các hoạt động tập huấn thi đấu quốc tế năm 2016. Nguồn kinh phí của nhiều địa phương khác cũng bị sụt giảm khoảng 30% sau khi sáp nhập ngành.

500 triệu đồng cho 270 VĐV

Năm 2016, Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV Hải Phòng được cấp 1,5 tỷ đồng phục vụ việc tập huấn thi đấu quốc tế. Tuy đã tăng tới gấp rưỡi so với năm ngoái song con số này chỉ đáp ứng được khoảng 1/10 nhu cầu thực tế. Càng thảm hơn bởi trong khoản 1,5 tỷ đồng đã bao gồm 1,0 tỷ đồng thuê chuyên gia aerobic và cử tạ. Có nghĩa là, chỉ còn đúng 500 triệu đồng cho 26 môn với 270 VĐV.

thể thao

Chính vì kinh phí quá bó buộc, nên từ lâu chỉ một nhóm VĐV hàng đầu ở vài môn thế mạnh được tập huấn nước ngoài, theo dạng ngắn hạn tại các địa phương của Trung Quốc. Còn hầu hết VĐV đều quen với việc tập luyện tại chỗ quanh năm suốt tháng, kết hợp với một vài đợt dã ngoại ngay tại Việt Nam trước các giải đấu quan trọng.

Hải Phòng chưa có thêm một trường hợp được đầu tư chuyên biệt như kình ngư từng 3 lần giành HCV SEA Games, Nguyễn Hữu Việt khi trước. Thậm chí, ngôi sao thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh cũng đang phải nhờ vào nguồn đầu tư của ĐTQG.

Thể thao đất Cảng đang phát huy tốt nội lực để vượt khó và duy trì phần nào thế mạnh, nhất là ở một vài môn truyền thống. Thế nhưng trên thực tế, họ đang chịu hậu quả trực tiếp, toàn diện cả về nền tảng, thành tích do nguồn lực kinh phí không đảm bảo ở mức tối thiểu. Sau Hà Thanh, chưa nhìn thấy VĐV nào đạt tới đẳng cấp đủ để tranh chấp HCV SEA Games.

Hàng loạt địa phương lao đao

Sự sa sút của thể thao Hải Phòng đã sớm được dự báo từ những biến động ngay sau khi ba ngành VH-TT&DL sáp nhập. Và người ta cũng có thể nhìn thấy rõ nguyên nhân quyết định gần như không nằm ở chủ quan những người làm thể thao, hay chất lượng VĐV mà xuất phát từ chính sự thiếu quan tâm, đầu tư cho thể thao, đặc biệt về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ và kinh phí tập huấn thi đấu.

Theo tính toán của các chuyên gia, mức kinh phí mà cả mảng thành tích cao của thể thao đất Cảng nhận được giảm khoảng 30-40% so với thời trước khi sáp nhập vào năm 2007.

thể thao

Thể thao Hải Phòng thực sự là một điển hình của thời thể thao sáp nhập, gắn với những bất cập cơ bản trong việc thiết lập một mô hình tổ chức, một cách thức triển khai hoạt động phù hợp ở từng địa phương.

Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện của riêng đất Cảng mà đang xảy ra ở nhiều nơi. Trong đó cũng vì những lý do tương tự, không ít thể thao địa phương từng rất mạnh hay phát triển tốt như Cần Thơ, Khánh Hòa, Thái Nguyên đang rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí đang phải trả giá. Thái Nguyên gần như mất tên trên bản đồ thể thao thành tích cao. Khánh Hòa đánh mất mình ở môn điền kinh từng ở nhóm dẫn đầu quốc gia, đóng góp nhiều HCV SEA Games. Cần Thơ giờ không còn VĐV nào có thể giành huy chương SEA Games.

thể thao

Sau khi sáp nhập, phải mất nhiều năm loay hoay, ngành thể thao các địa phương mới “định vị” được một mô hình đặc thù cho mình là Trung tâm độc lập (thuộc Sở VH-TT&DL) để có thể tự chủ cần thiết trong việc đào tạo, huấn luyện, thi đấu. Dẫu vậy, hầu hết các Trung tâm này đều đang bị động về cơ sở vật chất, thiếu thốn trầm trọng về trang thiết bị dụng cụ, kinh phí.

Như thừa nhận của lãnh đạo thể thao nhiều địa phương, trong bối cảnh hiện tại, họ chỉ có thể cố gắng duy trì được phần nào hay phần đấy, chứ không thể mong phát triển. 

Qua 2 năm bị xóa sổ, thể thao thành tích cao của tỉnh Gia Lai - cụ thể là Trung tâm Huấn luyện, đào tạo và thi đấu - vẫn chưa được tái lập. Thậm chí, chính ngành thể thao tỉnh này  cũng chưa có động thái gì để đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh xem xét lại quyết định “không giống ở đâu” này. Mới đây, thể thao Gia Lai còn tiếp tục đón nhận một tin buồn khác khi đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai - một mẫu hình xã hội hóa thành công - cũng bị giải tán. 

Phần lớn địa phương trước đây vốn luôn khó khăn khi chỉ có 1-5 tỷ đồng cho mảng thể thao thành tích cao. Một số địa phương khá hơn có thể đạt tới mức 7-10 tỷ đồng. Thế nên, khi mức đầu tư trên thực tế bị sụt giảm khoảng 30% so với trước mới thấy tình cảnh còn bi đát tới mức nào. Nhiều nơi đã phải chấp nhận giảm số môn, số VĐV các tuyến, và chỉ dám nhắm thành tích ở các đấu trường quốc nội.

thể thao

Hà Nội, TP.HCM và Quân đội là 3 địa phương hiếm hoi không bị ảnh hưởng, với một mô hình tổ chức nhân sự, hệ thống đào tạo và đầu tư kinh phí ổn định ở mức cao. Đây cũng là 3 địa phương được nhận số tiền vượt qua mức 100 tỷ đồng mỗi năm cho mảng thành tích cao. Thanh Hóa là tỉnh hiếm hoi mà sự quan tâm đầu tư cho thể thao tăng vọt sau khi sáp nhập ngành, với mức kinh phí trên dưới 50 tỷ đồng. Nhờ thế, thể thao xứ Thanh đã trở thành một hiện tượng mới, rõ nhất ở môn điền kinh. Hai trung tâm khác là Đà Nẵng và đặc biệt Cần Thơ đang phải củng cố và làm lại sau một thời gian bị… buông. 

Không chỉ các địa phương mà kinh phí sự nghiệp chung của ngành thể thao, thông qua đầu mối Tổng cục TDTT, cũng đang rất khó khăn. Theo dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính, ngành thể thao chỉ nhận được chưa đến 700 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp. Nó ít hơn mức 730 tỷ đồng của năm 2015. Dù tiếp tục ưu tiên tối đa cho mảng thành tích cao, với tỷ lệ chiếm tới 70% kinh phí song vẫn vẫn chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế của việc đào tạo, tập huấn thi đấu. Trong đó, ngành thể thao sẽ dành 40 tỷ đồng cho việc chuẩn bị, dự tranh Olympic 2016.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm