Nỗi lòng xa quê
Trong số 27 VĐV ở lại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội 1 (Nhổn) “mắc kẹt” do dịch COVID-19, Phạm Thị Hồng Thanh là trường hợp khá đặc biệt. Đô cử vàng của cử tạ Việt Nam quê ở Chí Linh (Hải Dương), là điểm dịch của cả nước trong lần tái bùng phát ngoài cộng đồng này.
Không về quê nhà đón Tết; ngặt nỗi, Thanh thuộc biên chế của đơn vị Nghệ An cũng không về địa phương đón Tết như mọi năm vì đang ở khu vực có dịch. Hiện tại, gia đình ở Hải Dương chỉ có bà, bố và em gái khi mẹ Thanh lao động ở nước ngoài.
Rơi vào trường hợp mỗi người mỗi nơi, cảm giác chạnh lòng, tủi thân luôn hiện hữu ở cô gái đầy nghị lực này. Thanh kìm chế cảm xúc: “Chí Linh là vùng dịch nên hàng ngày tôi chỉ có thể gọi điện về hỏi thăm bà, bố. Bà bảo đã chuẩn bị hết thức ăn mua về, hạn chế ra ngoài. Bà cũng động viên: “dịch năm nay không về được thì ở lại cho an toàn, lo cho sức khỏe bản thân cùng những người xung quanh”.
Mẹ không ở Việt Nam. Ngày Tết là sum họp, ai cũng muốn con cháu về. Lúc này chắc chắn bà sẽ rất buồn tại mọi năm cô chú xa đều về sum vầy còn năm nay chỉ có bà, bố và em gái ở nhà. Rất là buồn nhưng vì dịch COVID-19, đành cố gắng chứ mình không muốn điều này xảy ra”.
Đây cũng là lần đầu tiên, Hồng Thanh không về nhà ăn Tết. Với diễn biến dịch phức tạp, cô cũng chuẩn bị sẵn tâm lý song nỗi buồn đâu đó vẫn len lỏi. “Tết đến xuân về, bất cứ ai cũng háo hức để về với gia đình. Dẫu vậy, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý, tinh thần nên không quá buồn. Ở đây không được về Hải Dương mà về Nghệ An xa, lại có thể ảnh hưởng mọi người, tôi quyết định cùng bạn bè ở lại”, Thanh bảo.
Đô cử quê Hải Dương trải lòng: “Tết năm nay ảnh hưởng dịch COVID-19 nhiều quá. Bản thân cảm thấy buồn khi dịch bệnh hoành hành ảnh hưởng mọi thứ, từ tập luyện đến thi đấu khiến tâm lý của VĐV chán nản. Nhưng cũng chuẩn bị tâm lý sẵn, kế hoạch tập luyện diễn ra bình thường. Thời điểm này chủ yếu tập duy trì thể lực, tính tổ nhiều, lên trọng lượng vừa phải. Khi nào hết dịch thì tập trọng lượng cao”.
Để vơi đi nỗi nhớ nhà, cảm giác tủi thân, Thanh cùng đồng đội cùng nhau sum vầy nấu nồi bánh chưng xanh đón Tết. “Mọi người nghĩ ra nhiều trò để chơi, và cũng là cách để xả stress”, Thanh chia sẻ.
Ước nguyện được… thi đấu
Thanh đến với cử tạ rất tình cờ. “Tôi có chú trong Nghệ An. Hè năm lớp 9, tôi vào đó tập bơi. Chưa kịp tập, chú bảo, có muốn theo thể thao không. Tôi bảo có. Thế là chú dẫn vào cử tạ đầu tiên. HLV cử tạ nhìn ra tố chất của tôi, muốn tôi vào tập luôn, không kiểm tra thể lực. Nhưng chú là người trong ngành bảo cứ phải kiểm tra thể lực rồi mới tuyển chọn, đúng quy trình. Thầy thấy ổn rồi tập luôn.Từ đó đến nay đã 6 năm rồi”, Thanh kể.
Bén duyên với cử tạ song trong hành trình đến với bộ môn đầy cơ bắp này, Thanh từng len lỏi ý định bỏ để theo mẹ sang nước ngoài kiếm công việc khác. “Năm 2018, tôi xin thầy nghỉ. Lúc đó mẹ lo sau này không tập nữa, không có thành tích thì nên tìm hướng đi riêng. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều”, cô gái quê Hải Dương chia sẻ.
Thanh kể với mọi người và được thầy, bạn bè động viên. Song, ý nghĩ bỏ tập vẫn len lỏi. Đúng thời điểm đó là Đại hội TDTT toàn quốc, HLV cử tạ ở Nghệ An đánh đố, nếu không đạt thành tích giải này, Thanh có thể nghỉ. May mắn thay, Thanh bất ngờ đoạt HCV.
“Giải đó toàn anh chị lớn mà tôi lại có Vàng. Thế là suy nghĩ lại, mình có duyên với môn này. Từ đó, tôi tập luyện lại. Đứa em ở cùng phòng cũng có khuyên ra nước ngoài có chắc sướng không, làm nghề gì vất vả cả. Tại sao tập tạ đúng nghề mình thích lại không theo? Tôi quyết định không đi nữa”, Thanh giãi bày.
Khi ngẫm lại, đô cử từng đoạt HCV SEA Games 30 mới thấy được sự trân quý cùng cái duyên với bộ môn này. “Tập môn này đúng đắn nhất. Tại vì rất có duyên. Tôi chưa tập có cơ bắp tự nhiên rồi. Năm đầu có 1 vàng, 1 bạc, 1 đồng rồi năm sau có 3 vàng, phải có duyên mới thế. May mắn hơn nữa là quê Hải Dương mà lại vào Nghệ An. Nếu không vào Nghệ An, chưa chắc đã theo môn này”, Thanh chia sẻ.
Thế nhưng, đời VĐV, chỉ tập luyện “chay” từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác có thể dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Quan trọng, nghỉ thi đấu ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các VĐV. “Cả năm trông chờ tiền thưởng nhưng năm nay không đấu nhiều vì dịch bệnh. Chúng tôi không có giải gì ảnh hưởng rất nhiều bởi hầu như đi thi đấu, kiếm huy chương để có thu nhập cao hơn. Giờ không có giải gì chỉ trông cậy vào đồng lương, hạn chế rất nhiều”, Thanh cho biết.
Hồng Thanh đến với cử tạ không chỉ vì đam mê, vì cái duyên mà cô còn muốn đây là nghề giúp bản thân có thu nhập ổn định. Bởi ngoài mình ra, cô còn muốn là chỗ dựa cho em gái. “Những lúc xa nhà, tôi nhớ em gái lắm. Hồi nhỏ em bị co giật, giờ vẫn chưa biết nói. Hầu như ở bà ngoại, bà lớn tuổi rồi. Bây giờ 16 tuổi rồi mà vẫn không biết gì cả, toàn bà lo cho thôi. Mỗi lần nghĩ đến em là khóc. Không biết lớn sau này thì thế nào. Tôi muốn có công việc ổn định để sau này lo cho em tốt hơn, chu đáo hơn”, Thanh bày tỏ.
Và với Thanh, ước nguyện trong năm 2021 là “dịch bệnh sớm đẩy lùi để mong thi đấu, cọ xát nâng cao thành tích”.