(thethao24.tv) – Thay vì tìm ra một nhà tiên tri bạch tuộc Paul đời mới, ở Trung Quốc người ta huấn luyện một con…gấu trúc và ở Brazil, một chú rùa có tên Big Head (đầu bự) được mời dự đoán.
>>>Tây Ban Nha hướng đến kỷ lục của Brazil và Italia
>>>World Cup trên không, Mỹ bay nhiều nhất
>>>LƯƠNG CỦA 32 HLV TẠI WORLD CUP 2014: Scolari chạy dài mới bằng Capello
Cách thức cũng giống với việc người ta làm với Paul trước đây, tức là treo cá vào hai lá cờ đại diện cho hai quốc gia sắp tranh tài. Rùa chọn lá cờ nào thì coi như “dự” đội đó chiến thắng. Trước khi bài báo này lên khuôn thì rùa ta đã chọn Brazil thắng Croatia. Vẫn còn phải có thời gian để kiểm chứng để rùa Big Head có thể trở thành nhà tiên tri hay không.
Nhưng có một điều, không hiểu sao, lâu nay, người ta vẫn coi rùa là biểu trưng cho sự may mắn. Trong bóng đá “bàn thắng rùa”, “trận thắng rùa” là để chỉ sự may mắn. Thậm chí khi có bàn thắng may, người ta bảo “cụ rùa nổi”. Hoặc Manchester United có một dạo thắng nhiều nhờ may mắn cũng bị cho là “cần thay linh vật bằng…con rùa”. Riêng chuyện rùa nổi là bản quyền của cụ rùa ở Hồ Gươm. Với người Hà Nội, mỗi khi cụ rùa nổi là như báo hiệu điềm may mắn.
Nhân chuyện rùa, người ta hay nhắc đến câu chuyện cũ, rằng: Thỏ và Rùa chạy thi. Thỏ khởi đầu mạnh mẽ, vượt rùa rất xa và bắt đầu khám phá những điều mới trên đường. Thấm mệt, thỏ ngả mình dưới gốc cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa kiên trì, tiếp tục cuộc đua và thắng cuộc. Khi kể hết câu chuyện, các bậc phụ huynh thường bình luận thêm: ở đời thấy kẻ yếu thì đừng kiêu ngạo, khinh thường và trong cuộc sống chậm, ổn định, kiên trì sẽ chiến thắng.
Sau này, người ta có thêm những phần cho câu chuyện thú vị- rùa và thỏ. Phần hai cho rằng: Sau trận thua ấy, thỏ rất thất vọng, và nhận ra lý do thua cuộc. Nếu thỏ không chủ quan và cho mọi thứ đều đơn giản, thì rùa không thể thắng, và thỏ thách đấu lại với rùa. Kết quả: Thỏ thắng cuộc và vượt xa rùa hàng dặm. Như thế chân lý lần nữa được phơi bày, nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng chậm và ổn định.
Nhưng chuyện chưa dừng lại:Một thời gian sau, biết không thể nào thắng được thỏ về tốc độ, rùa suy nghĩ và thách thức thỏ một đường đua khác. Thỏ như thường lệ chạy rất nhanh, bất chợt đến con sông chắn trước mặt mà không thể nào tìm được đường để sang. Rùa, khi đó, đã đến nơi, lội qua sông sang bên kia bờ và về đích giành chiến thắng . Bài học rút ra: xác định lợi thế và chọn sân chơi phù hợp là lựa chọn khôn ngoan và tỷ lệ chiến thắng cao hơn.
Và chuyện, vẫn chưa dừng lại và con người, như thường lệ, cố gắng để truyện kết thúc có hậu. Phần còn lại câu chuyện kể: Qua thời gian thi thố , thỏ và rùa trở thành bạn thân thiết. Cả hai nhận ra, cuộc đua cuối cùng có thể trở nên tốt hơn, nếu chúng cùng chung một đội ,thay vì chúng cạnh tranh với nhau .Khi bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy tới bờ sông. Rùa, sau đó tới lượt mình, cõng thỏ vượt sông. Lên bờ, đến lượt thỏ cõng rùa đưa cả hai về đích. Bài học là: Vượt qua tình huống thay vì cạnh tranh với đối thủ, kết quả sẽ tốt hơn.
Trong thuật ngữ hiện đại, bản chất phần “rùa cõng thỏ” cho ra đời thuật ngữ win-win trong làm ăn kinh tế. Nhưng bóng đá, không có khái niệm win-win, nghĩa là về chiến thuật, mỗi câu chuyện rùa- thỏ đều để lại những bài học và người ta phải lựa chọn “nhanh- chậm”, “phong độ hay đẳng cấp”… Và chú rùa Big Head dù có “đầu to” đến mấy thì vẫn cứ là…rùa. Vậy thôi.
Song An