TỪNG KHÔNG DÁM NGHĨ MÌNH ĐỦ SỨC TRANH HUY CHƯƠNG
Năm 2021 khép lại với thành công rực rỡ ở Olympic và giải VĐTG khi giành hai tấm HCB, ngẫm lại một năm đã qua, đến bây giờ, anh có cảm xúc gì?
Năm vừa rồi là năm quá tuyệt vời với bản thân tôi. Những khó khăn về dịch bệnh hay chấn thương cản trở lớn đến quá trình tập luyện, thi đấu, tưởng như không thể vượt qua nổi. Thế nhưng, cuối cùng, tôi cũng hoàn thành mục tiêu đề ra khi giành những tấm HCB danh giá ở hai đấu trường lớn là giải vô địch thế giới, và nhất là Paralympic.
Dịch bệnh cùng chấn thương khiến anh gặp quá nhiều thử thách. Anh có nghĩ, mình sẽ vượt qua và bước lên bục vinh quang trọn vẹn?
Trước lúc lên đường tham dự Paralympic 2020 tại Nhật Bản, tôi không nghĩ mình đủ sức cạnh tranh huy chương. Bởi thời điểm trước giải đấu diễn ra, tôi chỉ tập đúng 5 tuần. Một quãng thời gian quá ít ỏi so với đấu trường lớn như Paralympic.
Tôi cũng chỉ hy vọng nằm trong Top 5. Thế nhưng, sang Nhật Bản, tôi cắn răng tiêm thuốc tê để thi đấu, trong suy nghĩ chỉ biết phải cố gắng hết sức, làm những gì có thể, gắng thêm một chút, một chút và đạt được kết quả ngoài mong đợi.
Nếu có điều gì tiếc nuối trong năm 2021, thì đó là gì?
Năm 2021 quá mỹ mãn với bản thân khi giành các huy chương ở những đấu trường lớn. Tuy vậy, tôi hơi tiếc vì giải VĐQG không được tổ chức. Bản thân các VĐV, đích đến cuối cùng chính là được thi đấu. Chúng tôi có khát vọng lớn thi đấu thường xuyên.
Trong lúc tập luyện, chúng tôi không thể tính được điểm rơi, phong độ. Khi có giải, các VĐV được tham gia và có động lực tập luyện chứ còn tập quanh năm, không có giải đôi lúc cũng nản. Ai cũng vậy, tập chay vô cùng khó chịu và ảnh hưởng.
Thế anh có tiếc hụt HCV khi chỉ kém đối thủ 0,01kg mà nếu bình thường, không chấn thương, anh có thể đoạt nó?
Bất cứ VĐV nào cũng vậy, khi thi đấu, ai cũng muốn thắng nhưng chấn thương phục hồi trễ, chỉ khoảng 80% sức lực khiến tôi không có thể trạng tốt nhất. Thua đối thủ không có gì tiếc nuối, chỉ tiếc khi chấn thương của mình nặng quá, không kịp để chuẩn bị chu đáo cho giải đấu.
TẾT SUNG TÚC TRONG NGÔI NHÀ MỚI CÙNG HAI TẤM HCB
Không chỉ năm 2021, xuyên suốt sự nghiệp của mình, anh gặt hái vô vàn danh hiệu trên đỉnh thế giới. Nhìn vào những gì bản thân anh đã làm được, các con anh chắc hẳn tự hào về bố mình?
Mấy đứa vui lắm. Những lúc đạt thành tích, tôi đều muốn chia sẻ ngay lập tức. Mỗi lần thi đấu xong, cả nhà ríu rít gọi nhau chúc mừng. Những lúc như vậy, tôi luôn nói với các con “Bố có huy chương rồi”.
Tôi muốn gửi gắm các con sau này nhìn vào tấm gương bố để cố gắng trong cuộc sống, học tập. Mỗi khi gặp khó trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ, bố chính là động lực để các con vượt qua, trưởng thành và nghị lực hơn.
Với thành công đó, thu nhập và đời sống của anh đã được cải thiện đáng kể?
Năm nay khi có giải, thi đấu thành công, tôi có thêm tiền thưởng, cải thiện cuộc sống và bù lại cho các năm không thi đấu. Quá trình tập luyện cũng hết sức gian nan. Ngoài tập luyện, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng.
Bản thân tôi không dùng thực phẩm chức năng, chủ yếu bổ sung dinh dưỡng qua đường ăn uống. Tôi không dùng thực phẩm chức năng vì sợ sau khi nghỉ sẽ ảnh hưởng đến các cơ bắp, xương khớp.
Để duy trì nền tảng thể lực, tôi ăn thêm các thực phẩm hỗ trợ cơ bắp. Ngoài ăn uống ở trung tâm những lúc tập trung, tôi trích tiền ăn hàng tháng.
Đối với các VĐV thể thao người khuyết tật, khi hết giải, các VĐV sẽ về địa phương, tự túc ăn uống, tập luyện. Lúc nào có quyết định triệu tập lên tuyển thi đấu thì mới có chế độ. Thể thao người khuyết tật không có xuyên suốt hằng năm. Đó là bài toán với những VĐV như chúng tôi.
Một năm thành công cả về thành tích lẫn thu nhập kinh tế, anh cùng gia đình đón Tết Nhâm Dần sung túc, hạnh phúc hơn?
Điều đặc biệt là chúng tôi vừa cất ngôi nhà mới. Đây là cái Tết đầu tiên cả nhà dọn về tổ ấm của mình. Có chút thành tích nên sắm sửa nhiều hơn, đầy đủ hơn các năm trước.
Vợ chồng tích lũy bấy lâu nay. Căn nhà trước đó ở Hóc Môn khá chật chội nên hai vợ chồng tích góp, mua nhà, xây lại khang trang, ấm cúng và có sân chơi cho các con. Chúng tôi cố gắng, ngoài thi đấu còn làm nghề chính của mình. Dần dần qua các năm, gia đình có số vốn để về nơi ở mới.
SAU TẾT NHÂM DẦN, NHẮM THẲNG HCV PARALYMPIC 2024
Anh nghĩ gì về mẫu hình sinh ra ở Hà Tĩnh, lấy vợ Nghệ An và lập nghiệp ở Sài Gòn?
Cuộc sống của mỗi người tùy vào điều kiện, hoàn cảnh. Lúc còn ngoài quê, tôi đi học rồi sau đó vào Sài Gòn để học nghề, từ trung cấp lên liên thông, ra trường có bằng kỹ sư điện tử. Xa quê gặp vợ, cũng là xứ Nghệ và có chút gì đó tương đồng, hợp nhau. Thế là, chúng tôi về chung một nhà. Vợ chồng là duyên số và khi gắn kết nhau, cần xây đắp hạnh phúc.
Bản thân tôi nghĩ mình luôn phải cố gắng, không ngừng cố gắng, nếu không sẽ thành gánh nặng cho gia đình. Lúc đó, mọi người lại khổ. Sau thời gian dài lập nghiệp, bản thân có chút gì đó gọi là thành tựu cho mình nhưng phải luôn cố gắng, vươn lên và không ngừng phấn đấu.
Vậy, cả gia đình có dự định đón Tết ở quê nội Hà Tĩnh hay quê ngoại Nghệ An?
Chúng tôi dự định ở lại Sài Gòn đón Tết. Năm nay, gia đình nghỉ Tết khá trễ và đây cũng là cái Tết đầu tiên trong ngôi nhà mới. Thời điểm này, dịch cũng phức tạp, con nhỏ nên hạn chế đến nơi đông người. Sang năm ổn định, chúng tôi sẽ về.
Đón Tết trong căn nhà mới, ắt hẳn, anh sẽ chăm chút hơn cho gia đình?
Tất nhiên rồi, tôi sẽ sắm cây mai hay cây đào gì đó; trang trí nhà cửa, mua ít bánh trái, quà cho hai con để đón Tết hoành tráng hơn các năm trước. Những năm trước, tôi ít được nghỉ lắm. Thậm chí, đến gần ngày 30 vẫn chưa nghỉ hay mùng 2, 3 Tết phải đi thi đấu rồi nên không tổ chức trọn vẹn.
Năm nay, tôi được nghỉ Tết hơn 10 ngày. Quãng thời gian dài này, tôi cố gắng bù lại các năm khác, cho các con thoải mái hơn và tận hưởng một cái Tết trong ngôi nhà mới.
Vào những ngày Tết, anh có tập luyện để duy trì phong độ, thể lực?
Sau khi thi đấu giải VĐTG, tôi nghỉ tập hẳn để điều trị dứt điểm chấn thương. Theo chỉ định của bác sĩ, tôi phải nghỉ 6 tháng nhưng tôi chỉ nghỉ 2-3 tháng rồi tập lại. Lúc đầu bác sĩ kêu mổ nhưng tôi tiêm tế bào gốc, thời gian điều trị lâu hơn nhưng an toàn hơn mổ.
Tháng 6 tới, tôi tham dự giải vô địch châu Á và không lâu sau đó là Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á. Tuy vậy, tôi không đặt nặng hai giải đấu này. Tôi chỉ duy trì để nằm trong Top 4, có suất đi Paralympic 2024. Tôi tập trung điều trị dứt điểm chấn thương. Sau năm 2022, tôi mới có khả năng trở lại đỉnh cao.
Nhắc đến Lê Văn Công, mọi người ít biết về hành trình làm từ thiện thầm lặng của anh. Động lực nào thôi thúc anh hay làm từ thiện?
Đó là hành động bộc phát, xuất phát từ tâm. Trong cuộc sống, khi gặp hoàn cảnh nào khó khăn, tôi thường có lòng trắc ẩn. Và rồi, bản thân muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ họ, có thể là không nhiều nhưng phần nào giúp họ vượt qua thời điểm này.
Tôi tâm niệm, mình cố gắng làm điều gì đó tạo ra giá trị tinh thần, động viên hay hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí để họ vượt qua. Bản thân không có chủ đích năm nay làm thì năm sau làm nữa. Tất cả xuất phát từ tâm.
Khi không còn cách nào thì kêu gọi thêm, làm cùng những người bạn bởi cho đi là nhận lại, mình giúp người này thì có người khác giúp lại mình. Tôi vẫn nhớ mãi trường hợp của bé Hương. Nhìn hoàn cảnh của bé, tôi không cầm lòng được. Tấm huy chương vàng Paralympic rất quý với cá nhân nhưng lúc mọi người gặp hoạn nạn, giá trị về vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ còn lớn lao hơn cả.
Khép lại năm 2021 trọn vẹn, anh đặt ra mục tiêu gì cho năm 2022?
Ngay từ bây giờ tôi đã xác định mình phải tập luyện và chuẩn bị tốt nhất cho Paralympic 2024. Còn với thông tin Indonesia muốn nhận đăng cai Para Games 2022, bản thân cũng chỉ biết chờ đợi thông tin chính thức và hy vọng mọi chuyện suôn sẻ.
Tôi hy vọng thi đấu càng nhiều giải càng tốt vì để cọ xát và biết đối thủ thế nào để cố gắng hơn nữa. Mục tiêu của tôi là cố gắng lấy lại tấm HCV tại Paralympic 2024.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!