Điền kinh Nga bị cấm thi đấu: Đi vào vết xe đổ của thể thao Đông Đức

chủ nhật 15-11-2015 22:32:59 +07:00 0 bình luận
Nếu những gì Uỷ ban chống doping thế giới (WADA) đưa ra trong bản báo cáo là thật, thể thao Nga có thể phải đối mặt với bản án lương tâm như thể thao Đông Đức trước đây từng trải qua khi để tình trạng sử dụng doping tràn lan.

Doping gây vô sinh

Marie Katrin Kanitz chỉ 16 tuổi khi, cô không hề biết, cô lần đầu tiên sử dụng doping. Hóa ra viên thuốc màu xanh tưởng vô hại đó là anabolic steroid Oral-Turinabol, một sự thật mà cô chỉ bắt đầu hiểu rõ khi chính quyền Đức thông báo cho cô trong một bức thư gửi vào năm 1997.

Ines Geipel.

Vậy mà trước đó, Kanitz được thông báo những viên thuốc đấy là vitamin sẽ giúp cô trở thành VĐV trượt băng đẳng cấp thế giới và thay vì đặt câu hỏi cho HLV của mình, cô đã sử dụng thuốc trong 7-8 năm liền.

Ngày nay, giống như nhiều VĐV Đông Đức cũ khác, Kanitz được xem là sản phẩm của chương trình doping quốc gia và tưởng như kí ức đã bị chôn vùi cùng sự sụp đổ của bức tường Berlin, tất cả giờ lại được khuấy động sau những cáo buộc nhằm vào điền kinh Nga từ bản báo cáo của WADA. Theo WADA thì điền kinh Nga có “văn hóa gian lận ăn sâu ở mọi cấp độ” và dù bản báo cáo ngay lập tức bị giám đốc Uỷ ban chống doping Nga (RUSADA) là Nikita Kamaev bác bỏ, sự việc cũng được xem là trầm trọng đến mức buộc Tổng thống nước này, Vladimir Putin, phải yêu cầu có một cuộc điều tra riêng.

Đối với Kanitz, hậu quả của việc sử dụng doping là rất khủng khiếp. Cô không thể có con nhưng nỗi đau trong tâm hồn còn lớn hơn nỗi đau về thể xác. Đó là những gì cô thừa nhận từ văn phòng Doping-Opfer-Hilfe (Tổ chức hỗ trợ những nạn nhân sử dụng doping), một tổ chức được thành lập nhằm giúp đỡ những người đã bị chương trình doping quốc gia trong các năm 1970 và 1980 hủy hoại.

Và Kanitz chỉ là một trong số họ. Phần lớn phụ nữ đều không thể có con do tử cung bị hỏng, còn đàn ông bị ung thư, gặp các vấn đề về tim mạch hay xương cốt. “Hệ thống này rất độc đoán”, Kanitz nói. “Cũng vì thế mà tôi không dám hỏi nhiều. Tất cả cứ sử dụng thuốc và tất cả đều phải tin tưởng HLV của mình, rằng ông ta đang hành động đúng. Tất cả đều không hỏi tại sao và mọi việc cứ thế diễn ra".

Cũng vì thế mà Kanitz và những đồng nghiệp của cô không hề biết rõ họ đã sử dụng bao nhiêu loại chất cấm, dù trong bức thư gửi cho cô, người ta đã xác định đó là Oral-Turinabol.

Tỉnh ngộ thì đã muộn

Và hậu quả mà họ phải gánh chịu là vô cùng khủng khiếp. 3 VĐV từng sử dụng doping trong giai đoạn này đã qua đời sớm ở tuổi trên dưới 40, trong lúc Heidi Krieger - vô địch đẩy tạ châu Âu năm 1986 - giờ là Andreas sau khi thực hiện phẫu thuật chuyển giới vì những di chứng của việc sử dụng thuốc ảnh hưởng đến cơ thể.

Reedie.

Cựu VĐV chạy nước rút Ines Geipel cũng là một nạn nhân khác của chương trình doping quốc gia và hiện bà là Chủ tịch Doping-Opfer-Hilfe. Theo bà Geipel, 70% những VĐV của Đông Đức cũ đều gặp rắc rối về tâm lý và kể từ khi Doping-Opfer-Hilfe được thành lập cách đây 2 năm, họ đã có cơ hội được trải lòng.

Con số khoảng 1.000 người chắc chắn không phải là con số cuối cùng như bà Geipel khẳng định bởi một khi thể thao Đông Đức được xây dựng từ sự dối trá, rồi đến ngày “cái kim trong bọc cũng lòi ra”.

Và đó là những gì thể thao Nga đang phải đối mặt và theo bà Geipel, "Những con người của ngày hôm nay trong 20-30 năm tới cũng sẽ tỉnh ngộ và họ hiểu ra rằng, đây giống như một sứ mệnh tự sát”.

Theo nhà vi trùng học Werner Franke, người đã cùng vợ mình là Brigitte Berendonk, một cựu VĐV ném đĩa cất công thu thập hồ sơ bệnh án, hai thập kỷ doping của Đông Đức giống như “một thảm họa nhân đạo” và ông cảnh báo rằng, những hậu quả tương tự có thể xảy ra với bất cứ VĐV nào của Nga, đặc biệt là phụ nữ, nếu họ lạm dụng steroids và hormone tăng trưởng.

"Giống nhau quá", nhà khoa học người Đức nói. "Ở Đông Đức cũ, mỗi năm có 2.000 VĐV trẻ được đưa vào hệ thống, tính từ Olympic Mexico năm 1968 đến 1988. Tôi biết có một VĐV bơi lội sử dụng doping từ năm 13 tuổi và qua đời ở tuổi 45. Thật buồn khi họ không có sự lựa chọn nào khác và họ phải gánh chịu tất cả hậu quả".

Cuộc chiến không bao giờ kết thúc

Thực tế thì chỉ một phần hậu quả bởi họ cũng đã biến những VĐV trong sạch khác trở thành nạn nhân, khi những VĐV này bị sự gian lận lấy đi cơ hội giành huy chương, thu nhập, hợp đồng quảng cáo. Như trường hợp của VĐV người Anh, Jenny Meadows là một ví dụ. Meadows được công nhận vô địch nội dung 800m ở giải điền kinh châu Âu trong nhà vào năm 2011 sau khi Yevgeniya Zinurova của Nga bị cấm thi đấu sau đó 16 tháng do sử dụng doping. Tuy nhiên, Meadows khẳng định cô “không có hứng thú gì với tấm huy chương. Tôi không cảm thấy tôi đã thắng trong cuộc đua đó".

Theo Meadows ước tính, gian lận trong thể thao đã khiến cô mất 6-7 tấm huy chương ở các giải lớn và cùng với đó là khoản thu nhập khoảng 200.000 USD do Anh cấp ngân sách cho thể thao dựa trên kết quả và tài trợ của VĐV.

Tương tự như vậy là Hannah England, người đã thua Anna Alminova ở nội dung 1.500m tại giải điền kinh trong nhà châu Âu ở Turin, Italia, năm 2009. Về sau, Alminova đã bị cấm thi đấu vì sử dụng doping và tên cô một lần nữa xuất hiện trong bản báo cáo dài 323 trang của WADA.

Tuy nhiên, mong ước được thi đấu ở một sân chơi trong sạch, công bằng của Meadows, England và nhiều VĐV khác luôn là một câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp. Nói như Chủ tịch của WADA, Craig Reedie thì cuộc chiến chống doping là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc và nhiệm vụ của họ chỉ có thể là bảo vệ những VĐV trong sạch.

Sau cùng thì một sân chơi trong sạch, công bằng đã không dành cho Kanitz, Geipel và những đối thủ của họ. Và giờ điều đó cũng đang xảy ra với một thế hệ mới.

Andreas Krieger thi đấu cho Đông Đức ở môn đẩy tạ dưới cái tên Heidi Krieger và sử dụng doping có hệ thống với chất steroids từ năm 16 tuổi. Giờ 49 tuổi, bà đã chuyển giới vì những di chứng của việc sử dụng thuốc ảnh hưởng đến cơ thể.

Năm 1984, Ines Geipel, mới 24 tuổi, và các đồng đội đã phá kỷ lục thế giới ở nội dung 4x100m tiếp sức của nữ với thời gian 42,2 giây.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm