Qua mặt Quý Phước thành tài năng “trọng điểm”
Gắn bó với đường bơi xanh từ năm 7 tuổi, Duy Khôi bắt đầu nổi lên như một hiện tượng đặc biệt tại giải VĐQG 2012. Cùng với 2 tấm HCV cùng 1 kỷ lục ngay lần ra mắt, Khôi còn khiến giới chuyên môn kinh ngạc bởi sức rướn và độ bám nước kỳ lạ. Kể từ đó, kình ngư có hình thể khiêm tốn ấy đã liên tục đột phá, với những bước thăng tiến ngoạn mục qua từng cuộc đấu.
Chỉ sau đúng 3 năm rèn tập tại “lò” Yết Kiêu, Khôi đã chính thức qua mặt đàn anh Hoàng Quý Phước để thành mũi nhọn số 1 của đội bơi nam. Tại SEA Games 28, dù không giành được HCV như Phước hay Lâm Quang Nhật – một tài năng trẻ khác, song Khôi lại được đánh giá cao hơn hẳn về khả năng phát triển. Trên đất Singapore, Khôi đoạt 1 HCB, 2 HCĐ, trong đó có tấm huy chương Bạc nội dung 200m ngửa quý hơn Vàng vì chỉ thua sít sao ngôi sao của chủ nhà Quah Zeng Wen. Đáng chú ý, Khôi đã cải thiện được hạn chế hình thể của mình nhờ ý thức và nỗ lực cao độ của bản thân cùng chế độ dinh dưỡng tốt. Hiện tại, tuyển thủ 18 tuổi đã cao 1m78, có sải tay đạt gần 2m.
Mới đây, Tổng cục TDTT đã chọn Khôi chứ không phải Phước để điền vào danh sách 20 tài năng trọng điểm của cả TTVN được đầu tư chuyên biệt cho các mục tiêu ASIAD, Olympic. Anh cũng là nam kình ngư duy nhất được chấm, bên cạnh Ánh Viên và Phương Trâm của nữ.
Đầu tư theo cách của địa phương
Xuất hiện cùng thời điểm với Ánh Viên, Khôi vẫn tiến bộ không ngừng song rõ ràng giờ đã tụt lại rất xa so với người đồng đội hơn mình đúng 1 tuổi. Một phần vì tố chất của Khôi không bằng. Phần khác, mang tính quyết định, kình ngư đất Sài thành chỉ được đầu tư theo điều kiện của một địa phương, thay vì xuất ngoại tập huấn dài hạn ở một trung tâm chất lượng hàng đầu như Ánh Viên.
Ngay cả khi Khôi đã nằm trong danh sách 1 trong 20 tài năng trọng điểm của TTVN, mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi. Thể thao TP.HCM tiếp tục xác định tự đào tạo Khôi ở trong nước, kết hợp với tập huấn nước ngoài ngắn hạn trước các giải đấu quan trọng. Các nhà quản lý huấn luyện nơi đây cũng khẳng định đó là cách làm phù hợp và hiệu quả, theo đúng tính toán và đặc thù địa phương.
Chính lãnh đạo Tổng cục TDTT, bộ môn bơi cũng từng nhiều lần muốn áp dụng mô hình thành công của Ánh Viên cho Duy Khôi, theo phương thức mỗi bên chi một nửa kinh phí. Thậm chí, ngành thể thao sẵn sàng lo toàn bộ, chỉ cần TP.HCM “trao” tài năng trẻ của mình cho ĐTQG. Tuy nhiên, phương án đó cũng bất thành vì TP.HCM không đồng ý. Trong khi đó, giới chuyên môn đều nhìn nhận, điều kiện của “lò” Yết Kiêu có thể tạo nên được những nhân tố trẻ triển vọng như Khôi nhưng chưa thể đảm bảo nâng họ lên tầm quốc tế.
Thực tế tài năng hiếm có của Duy Khôi đang bị lãng phí, gắn với cách làm kiểu…địa phương. Và rất có thể Khôi sẽ đánh mất cơ hội vươn tới đẳng cấp châu lục nếu những người có trách nhiệm không chịu thay đổi.
Kim Tuyến
Trong các kình ngư nam, Trần Duy Khôi đang là người đa năng nhất khi có thể tập luyện, thi đấu ở nhiều kiểu và cự ly bơi khác nhau. Khôi cũng đã tạo nên cho mình khoảng 5 nội dung đạt tới trình độ hàng đầu khu vực, tiếp cận Top 8 châu lục, nổi bật là 2 nội dung 200m ngửa và 200m hỗn hợp. Kình ngư đất Sài thành còn nổi tiếng là VĐV tập và chơi giỏi nhiều môn thể thao, như bóng rổ, điền kinh, cầu lông.
Ánh Viên giành 3 HCV, Phương Trâm lên đỉnh châu lục
Tại giải bơi trẻ châu Á trên đất Thái, siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt 3 tấm HCV trong 2 ngày đầu, trên các đường bơi 100m bướm, 200m ngửa và 200m tự do. Dù đã từng đoạt HCV ở nhiều đấu trường quốc tế khác nhau song đây mới là lần đầu tiên kình ngư quê Cần Thơ đăng quang ở giải bơi trẻ châu Á tổ chức 4 năm 1 lần. Thành tích cao nhất của Viên ở giải lần trước cách đây 4 năm chỉ là HCB.
Ngoài 3 lần lên ngôi của Viên, bơi Việt Nam còn gặt hái được thêm 5 HCV khác do công của Trần Duy Khôi, Huỳnh Mẫn Đạt và Nguyễn Diệp Phương Trâm. Kình ngư đang dính vào vụ lùm xùm đi ở với TP.HCM lại khiến mọi người phải nhắc tới mình khi đoạt ngay 1 HCV trong lần đầu dự một cuộc đấu tầm châu lục.