Chính kỳ SEA Games 2003 đại thắng trên sân nhà, thể thao Việt Nam đã lần đầu tiên “trắng mắt” với 4 trường hợp dính gồm Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV Lặn), và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB điền kinh). Cũng kể từ đó, dù đã ký vào hiệp ước quốc tế, luôn chủ trương “nói không với các chất bị cấm” với quyết tâm phòng chống cao, song thể thao Việt Nam đã đều đặn phải nhận những ca doping.
Tính đến hai trường hợp gần nhất ở môn cử tạ bị phát hiện vào 2020, qua 17 năm, Việt Nam đã có cả thảy 16 VĐV bị phát hiện dương tính với chất bị cấm. Cử tạ là môn có nhiều VĐV dính nhất, với 6 đô cử bị phát hiện, qua các cuộc kiểm tra bắt buộc tại các giải đấu và kiểm tra đột xuất do Liên đoàn Cử tạ Thế giới thực hiện.
Điều đáng nói, 5/6 trường hợp của môn này rơi vào các lực sĩ từng vô địch thế giới hay vô địch giải trẻ thế giới, thậm chí giành HCB Olympic (Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng). VĐV còn lại Ngô Thị Hạnh, cũng là VĐV duy nhất, bị phát hiện qua kiểm tra tại một cuộc đấu trong nước- Đại hội TDTT toàn quốc 2010.
Sau cử tạ, các môn khác từng có “vết đen” gồm điền kinh (2 trường hợp), thể hình (2), lặn (2), canoeing (1), boxing (1), thể dục dụng cụ (1), futsal (1). Trong đó, sự cố của "công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương tại Olympic 2008 chính là ca doping vào trường hợp... ngớ ngẩn nhất trong các Đại hội thể thao quốc tế.
Thương giành vé vớt, thuộc diện bốc thăm ngẫu nhiên bị kiểm tra, rồi phát hiện dương tính với chất kích thích. Như lý giải của Ngân Thương, tưởng như chuyện đùa mà lại hoàn toàn thật, cô dính doping chỉ vì muốn... làm đẹp, giảm eo. Trước khi lên đường dự Olympic, Thương thấy người mình nặng nề nên tự động mua thuốc về uống mà như lời cô là "cốt sao để giảm cân".
Ngày thứ Ba tuần sau lên đường thì thứ Sáu tuần này, cô sử dụng thuốc, chưa kể còn liều lĩnh uống gấp ba lần chỉ định. Thương lúc đó không nghĩ rằng chất lợi tiểu chắc chắn vi phạm quy định doping. Trớ trêu là trước khi bị công bố dương tính với doping khoảng một tuần, Thương đoạt giải thưởng... "Tìm hiểu về doping" do làng Thế vận hội tổ chức với điểm số 9/10.
Tuyển thủ điền kinh Vũ Thi Ly từng đoạt HCV SEA Games là VĐV dính doping mà chịu án phạt nhẹ nhất, chỉ đúng 1 tháng. Tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á tháng 10/2016 tại Đà Nẵng, xét nghiệm cho thấy Vũ Thị Ly dương tính với chất cấm. Nguyên nhân do cô bị cảm, phải dùng thuốc tây để điều trị theo toa của bác sĩ.
Loại chất trong thuốc điều trị lúc đầu không nằm trong danh mục bị cấm của Ủy ban phòng chống doping thế giới (WADA). Nhưng sau đó trong danh sách cập nhật, chất này lại có. Vũ Thị Ly bị xét nghiệm dính doping nhưng cô không cố ý nên chỉ bị Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) cấm thi đấu một tháng.