“Còn ai đào tạo VĐV với mức đền bù 100 triệu đồng”

thứ năm 2-7-2015 15:09:00 +07:00 0 bình luận
Chuyện chuyển nhượng, hay VĐV muốn ra đi là một hoạt động rất bình thường đối với một môn thể thao. Nhưng với tư cách những người làm chuyên môn, chúng tôi thực sự rất buồn và nản từ trường hợp của kình ngư 14 tuổi Phương Trâm.

Có lẽ chẳng cần dân chuyên môn cũng có thể nghĩ ngay đến một khả năng gia đình Trâm xin đơn phương thanh lý hợp đồng cho em đâu có phải vì để sang Mỹ du học mà chuyển đến một đơn vị khác, có thể có điều kiện, hay được hứa hẹn tốt hơn. Nếu điều đó là đúng, gia đình em không đáng trách mà vấn đề nằm ở đơn vị đứng sau lưng, đã sử dụng cách thức đi đêm, bắn tỉa trong mục tiêu muốn sở hữu Trâm. Với một trung tâm mạnh, phải nói thẳng là một thế lực hàng đầu quốc gia, lại đang có chế độ chính sách, ưu đãi thuộc diện tốt nhất nước như TP.HCM mà họ còn dám làm như vậy, không biết với những địa phương khó khăn còn đến mức nào nữa.

2t

Thực sự khi gia đình Trâm đưa ra mức đền bù chỉ trong 6 tháng, tính từ bản hợp đồng mới nhất từ tháng 7/2014 với mức chỉ trên 100 triệu đồng, người làm nghề chúng tôi thấy có gì đó bị tổn thương. Người ta đầu tư với sự đảm bảo tốt trong suốt 6 năm trời, để bây giờ mới bắt đầu có thể giành thành tích, tạm gọi là cống hiến, rồi quay lại xin đi với mức 100 triệu đồng. Tôi xin nói là nó chỉ bằng 1/20 con số đầu tư thực tế, chứ chưa nói các  khoản vô hình.

Chưa kể, gia đình Trâm rồi chính ông luật sư cũng không chịu hiểu đặc thù thể thao, các bản hợp đồng mang tính liên tục, gắn với các giai đoạn phát triển, tốt cho VĐV, chứ đâu có gì mập mờ hay khác lạ gì.

Theo tôi, cách thức xử lý của ngành thể thao TP.HCM rất chuyên nghiệp. Họ sẵn sàng để Trâm ra đi mà không lấy một đồng nào nếu Trâm thực sự đi du học hay vì lý do cá nhân. Còn nếu Trâm vẫn tiếp tục tập luyện thi đấu – không loại trừ là cho một đơn vị khác – thì dĩ nhiên phải đền bù phí đào tạo chứ. Và mức 961 triệu đồng, thực ra đơn vị này cũng đã tính rất hợp lý hợp tình.

Nếu chỉ với 100 triệu đồng, 1 VĐV bắt đầu thể hiện được năng lực có thể chia tay đơn vị đã bỏ công đào tạo mình trong 6 năm, thì cả hệ thống thể thao sẽ rối loạn.

Không một nơi nào còn muốn đào tạo VĐV khi bắt đầu đến thời gặt hái thành quả sau biết bao công của, thì lại mất tất cả vào chỗ khác, chỉ với 100 triệu đồng.

Tôi cho rằng, đây không phải là trường hợp cá biệt, cũng không phải chuyện của TP.HCM mà là cả một vấn đề lớn và nóng của môn bơi và TTVN mà những người có trách nhiệm phải nhìn nhận và giải quyết một cách kịp thời, bài bản.

Ngô Chí Thành – (Nguyên Trưởng bộ môn Thể Thao Dưới nước, HLV trưởng ĐTQG bơi)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm