Ấy thế, quãng thời gian xa cách con dài đằng đẵng khiến chút thời gian “sống chậm” vì cách ly cũng không thể giúp khoảng cách giữa mẹ con thêm gần hơn.
Ngày 23/3, đội rowing Việt Nam đi tập huấn về từ Australia. Do đi từ vùng dịch COVID-19 về nên toàn đội được cách ly tập trung ở Nha Trang. Đây cũng là quãng thời gian để 9 VĐV cùng 1 HLV của đội rowing Việt Nam có dịp để “sống chậm” sau những ngày tháng vùi đầu tập luyện vất vả.
Trong số đó, Phạm Thị Huệ, VĐV từng lập hat-trick HCV SEA Games 2015 và là “đàn chị” ở đội rowing Việt Nam mang đến câu chuyện đặc biệt. Huệ là VĐV hiếm hoi trong đội lập gia đình và có con nhỏ. Ấy thế, vì phải tập chủ yếu ở ngoài Bắc nên VĐV quê Quảng Bình ít có thời gian chăm con.
Chồng của Huệ, cũng là VĐV môn rowing Đặng Minh Huy sắm vai “bảo mẫu” cho cô con gái bé bỏng. Cả gia đình đang sống ở Đà Nẵng song mỗi năm, Huệ chỉ gần con khoảng 1 tháng vì phải tập luyện, thi đấu liên tục.
Lúc hạ sinh mới 9 tháng, Huệ đứt đoạn rời xa con để ra Bắc tập luyện. Câu chuyện này với Huệ như “cơm bữa” khiến nhiều lần về thăm nhà, con gái không nhận ra mẹ, lắc đầu khi bế con.
Đó vẫn là nỗi dằn vặt với người mẹ thường xuyên xa nhà. Vô tình, quãng thời gian cách ly vì COVID-19 giúp Huệ “sống chậm”. Hằng ngày, cô cùng các đồng đội thực hiện đúng các quy định cách ly. Ngoài ra, cả đội rowing tập luyện theo cách đặc biệt. “Toàn đội vẫn tập bình thường với các bài tập chạy, tập bổ trợ và các bài tập đặc thù. Các chú bộ đội có gì tập thì mình tận dụng để tập thêm như nhảy dây, xà đơn, xà kép, đá cầu hay bóng đá”, Phạm Thị Huệ với nụ cười tươi, hào hứng kể.
Sau quãng thời gian tập luyện, toàn đội về phòng nghỉ ngơi. Dù rất muốn phụ giúp các chú bộ đội nhưng với Huệ “thấy các chú vất vả mà công việc không phải của mình nên chủ biết tập xong rồi vệ sinh khu vực đang ở”.
Hằng ngày, Huệ cùng các đồng đội có khá nhiều thời gian rảnh. Họ tận dụng nó để gần gũi nhau hơn khi chia sẻ những câu chuyện sau các buổi tập. “Cả thế giới đều sống chậm nên quãng thời gian này giúp chúng tôi chiêm nghiệm cuộc sống.
Mấy chú bộ đội nhiệt tình, luôn tạo điều kiện cho các VĐV. Đến nỗi, hái xoài cho ăn ê cả răng. Môi trường sống tương đồng VĐV. Vào trong này mới thấy vất vả nhiều chứ không phải như mấy ảnh ở trên facebook. Các chú dậy 2-3 giờ sáng lo cơm ăn, kiểm tra sức khỏe, lo nhiều thứ. Chúng tôi chỉ biết cố gắng cách ly tốt”, Huệ giãi lòng.
Ấy vậy, với cô gái quê Quảng Bình này, nghĩ về đứa con gái nơi quê nhà luôn là nỗi đau đáu. Sống cách ly, Huệ có nhiều thời gian và cũng là lúc, cô thường xuyên gọi điện về thăm con gái. Thế nhưng, đứa con gái bé bỏng bước sang tuổi thứ 6 vẫn chưa quen với sự quan tâm của mẹ khi cả hai quá xa cách nhau từ thuở chưa đầy 1 tuổi.
“Giờ chỉ nhớ nhà, nhớ con chứ không vướng bận gì nhiều bởi vào đây là để an toàn cho chính mình cùng mọi người. Công nghệ hiện đại nên một ngày vài lần tôi gọi về nhà nhưng con gái không nói chuyện với mẹ. Con chỉ nhìn video rồi nói “No” chứ không nói gì đâu. Giờ nó vậy rồi biết sao giờ. Bình thường gọi ngày 2 lần, trưa và tối. Giờ rảnh gọi nhiều hơn nhưng con vậy đành chịu”, Huệ trầm giọng khi nhắc về cô con gái bé bỏng.
Sau khi hoàn thành quãng thời gian cách ly, Huệ cùng các đồng đội trở về Hải Phòng để tập duy trì, chờ đợi các giải đấu sắp tới. Cô không thể ghé Đà Nẵng để thăm con và thêm một lần nữa, nỗi dằn vặt lại đến ở người mẹ dạn dày sương gió này. Phía sau ánh hào quang luôn là quãng trầm với những VĐV vốn hy sinh rất nhiều cho thể thao nước nhà.