Trường hợp lạ của Hoa hậu biển Lâm Thu Hằng
Khi cầu thủ bóng rổ người Khmer này lọt vào Top 5 rồi đoạt luôn danh hiệu Hoa hậu biển tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, cả làng bóng rổ đều sốc. Đơn giản vì trước đó, Lâm Thu Hằng chỉ là cầu thủ quá thường cả về khả năng chuyên môn lẫn hình thức. Thậm chí, trong giới cầu thủ, chính Hằng còn phần nào đó tự ti về làn da nâu và đặc điểm hình thể của mình. Không phải ngẫu nhiên, các ông thầy của Hằng đều khẳng định như đinh đóng cột, có tới quá nửa số nữ cầu thủ bóng rổ Việt thừa sức có thể đạt tầm như Hằng. Càng thú vị hơn khi bản thân Hằng cũng thừa nhận điều ấy.
Người đẹp được ví như Naomi Campbell giờ đã trở thành một siêu mẫu hàng đầu, ngôi sao của hàng loạt chương trình thời trang và bộ mẫu ảnh lớn, với mức thù lao khủng. Khác với các đồng nghiệp khác phải đầu tư tốn kém, luyện tập kỳ công, cựu trung phong cao 1m77 này bước lên sàn cat-walk, chụp ảnh mẫu hoàn toàn tự nhiên, đúng nghĩa “có sao diễn vậy” mà vẫn luôn khiến mọi người nghiêng ngả.
Người mẫu toàn cầu thủ… loại 2
Hiện tại, không có một địa phương, lĩnh vực hay môn nào đóng góp nhiều người đẹp, người mẫu nổi tiếng như bóng chuyền nữ. Từ siêu mẫu Trần Bảo Ngọc, Hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh cho đến Hoa hậu biển từng lọt vào Top 25 Hoa hậu thế giới Nguyễn Thị Loan, siêu mẫu Vương Thu Phương, siêu mẫu Lê Thúy bây giờ… Cựu danh thủ Trần Văn Thư, cũng là bố đẻ của siêu mẫu Trần Thu Phương từng đưa ra một nhận xét “kinh điển” rất thật: Người đẹp, người mẫu gốc bóng chuyền toàn cầu thủ… loại 2. Ông Thư còn chú thích thêm, loại 2 ở đây không chỉ xét về trình độ chuyên môn mà cả về hình thể và sắc đẹp. Ý của ông không phải hạ thấp họ mà chủ yếu để nhấn mạnh đến mặt bằng chung nổi trội của các chân dài bóng chuyền.
Thực tế trước khi đăng quang, những Loan, Phương, Thúy đều chỉ là các gương mặt thuộc diện khá ở đội bóng. Có nghĩa là nếu có điều kiện và cơ hội tham dự các cuộc thi nhan sắc, hay showbiz, còn có rất nhiều cầu thủ khác có thể chiến thắng.
Dân thể thao ngày càng lợi thế
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, người từng trực tiếp tổ chức và chấm thi nhiều cuộc thi sắc đẹp, dân thể thao có lợi thế căn bản và ngày càng chiếm ưu thế trong xu hướng coi trọng yếu tố hình thể và tự nhiên của các cuộc thi người mẫu, người đẹp. Chưa kể rằng, các nội dung năng khiếu và tài năng, với họ cũng là một thế mạnh đặc biệt. Nếu các VĐV nữ có thể nâng cao được kỹ năng giao tiếp ứng xử, thể hiện bản thân vốn là điểm yếu, khả năng thành công của họ còn lớn hơn nữa. Trên thực tế, đó cũng không phải điểm yếu cố hữu mà chủ yếu xuất phát từ điều kiện giao tiếp hàng ngày.
Cũng theo ông Minh, trong thời kỳ thể thao đang xã hội hóa mạnh mẽ, việc các nữ VĐV vươn sang lĩnh vực khác, như các hoạt động sắc đẹp, xã hội, từ thiện, cần được khuyến khích tối đa. Qua đó, họ vừa có thể nâng tầm bản thân, tìm kiếm cơ hội và khả năng mới, vừa góp phần đa dạng hóa, quảng bá cho chính TTVN.
Phúc Tường