Chuyện VĐV Việt kiều của bơi Việt Nam: Chút vui & Tiếng thở dài

thứ tư 6-1-2016 22:31:47 +07:00 0 bình luận
Bơi Việt Nam đã gây bất ngờ lớn khi chiêu mộ được 2 kình ngư Việt kiều từ cường quốc bơi Mỹ. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế trình độ của 2 gương mặt này, giới chuyên môn khó có thể vui nổi.

Dấu ấn Việt kiều từ giải QG đến TG

Giải VĐTG 2015 tại Nga vào tháng 08/2015, bơi Việt Nam đã trình làng một “tân binh” đặc biệt, hoàn toàn xa lạ với giới chuyên môn cùng NHM trong nước: Kình ngư Việt kiều Lê Nguyễn Paul. Đây là lần đầu tiên môn này có một tuyển thủ Việt kiều trong đội hình.

Sự xuất hiện của một Lê Nguyễn Paul đang tập luyện, thi đấu tại cường quốc Mỹ, lại ở đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất đã tạo nên sự quan tâm chú ý đáng kể của làng bơi quốc tế. Tại giải, phần nào đó, anh còn nổi bật nhất so với  4 thành viên còn lại của ĐTQG dự giải, kể cả siêu kình ngư Ánh Viên.

bơi lội

Đến giải VĐQG chỉ sau đó 1 tháng, bơi Việt Nam lại tạo dấu ấn mới với một kình ngư Việt kiều thứ 2, trong màu áo của An Giang: Nguyễn Young Thomas. VĐV cũng trưởng thành trên đất Mỹ này còn lập tức mang về cho đội nhà 1 tấm HCB ở nội dung 200m ngửa.

Chỉ ngang và kém Quý Phước

Sự xuất hiện của 2 VĐV Việt kiều thực sự là một nguồn bổ sung tích cực cho bơi Việt Nam trong bối cảnh khan hiếm về lực lượng, và có tác động tốt cho quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nếu xét trên yếu tố quan trọng nhất là chuyên môn, rất khó có thể mừng bởi trình độ của 2 kình ngư tập luyện, thi đấu tại Mỹ cũng chỉ ngang hay kém những nam tuyển thủ hàng đầu Việt Nam như Quý Phước, Quang Nhật hay Duy Khôi. Trong khi đó, cả Lê Nguyễn Paul và Nguyễn Young Thomas đều đã 24 tuổi, một độ tuổi quá khó để tiếp tục phát triển.

Kình ngư Lê Nguyễn Paul

Kình ngư Lê Nguyễn Paul

Ngay cả Lê Nguyễn Paul, thành tích ở giải VĐTG 2015 luôn ở ngoài Top 30. Anh cũng mới chỉ đạt chuẩn B Olympic, có lẽ chưa đạt tới tầm mức tranh chấp HCV SEA Games. Nguyễn Young Thomas còn ở một đẳng cấp thấp hơn nhiều khi tại giải VĐQG 2015, ngoài vị trí thứ nhì xếp sau Duy Khôi đều bị văng ra khỏi nhóm huy chương.

Xét ở mặt nào đó, dù rất trân trọng tình cảm và tinh thần đóng góp của 2 kình ngư Việt kiều cho quê hương người ta không hiểu việc mời gọi nguồn lực quan trọng này của các nhà quản lý huấn luyện bơi Việt Nam có mục tiêu và tiêu chí như thế nào. Thứ nhất, đó không phải là những VĐV vượt trội so với mặt bằng chung ngay tại Việt Nam như thường thấy ở một số môn. Thứ hai, họ cũng không còn trẻ để có thể tập trung đào tạo nâng cao.

Kình ngư Nguyễn Young Thomas

Kình ngư Nguyễn Young Thomas

Rất bi hài vì một kình ngư như Nguyễn Young Thomas suýt chút nữa đã được những người có trách nhiệm đặc cách đưa thẳng vào ĐTQG dự SEA Games 28 nếu không trục trặc về thủ tục. Điều đó xảy ra sẽ là một sự vô lý, bất công lớn, bởi “người về từ Mỹ” chỉ có trình độ thuộc nhóm 2 so ngay với làng bơi Việt, thậm chí còn thua xa nhóm hàng đầu.

Thật khó chấp nhận một khi bơi hay bất cứ môn nào khác cứ thỏai mái, tùy hứng mời gọi VĐV Việt kiều về đầu quân, chỉ bởi họ có nguyện vọng, còn ngành thể thao không phải đầu tư, lại được tiếng nhanh nhạy, đổi mới.

Mọi chuyện ở đây, suy cho cùng, phải được quyết định bởi trình độ và hiệu quả, dù có thể là  trước mắt hay lâu dài.

Theo lãnh đạo bộ môn bơi, ngoài Lê Nguyễn Paul, tới đây Nguyễn Young Thomas vẫn sẽ được xem xét được triệu tập vào ĐTQG dự tranh các giải đấu quốc tế với đích nhắm là… chuẩn A Olympic. Nó ngược hẳn quan điểm của nhiều chuyên gia:  Cả 2 kình ngư Việt kiều chưa đủ “trình” để được đặc cách, và phải cạnh tranh sòng phẳng với các kình ngư trong nước qua các cuộc tuyển chọn.

Sau bóng đá, hiện tại có 5 môn khác của TTVN từng sở hữu VĐV Việt kiều trong màu áo ĐTQG hay các đơn vị, là tennis, golf, bơi, thể dục nghệ thuật và bắn súng. Trong đó, có thể coi trường hợp của môn bắn súng là bất ngờ nhất. Tại giải vô địch châu Á 2015, xạ thủ Việt kiều 15 tuổi Iwaki Ai (tên Việt Nguyễn Hằng) của TP.HCM đã xuất hiện ở ĐTQG Trẻ. Và gương mặt lạ có bố người Nhật Bản, mẹ người Việt này đã xuất sắc đoạt ngay 1 tấm HCĐ cá nhân nội dung 10m súng trường hơi tiêu chuẩn. Tuy nhiên có thể coi  Iwaki Ai như một VĐV Việt Nam “xịn” bởi xạ thủ trẻ sinh ra, lớn lên tại TP.HCM rồi bén duyên đội bắn súng Sài thành cách đây 2 năm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm