9 tháng của ông thầy karatedo
Đầu tháng 3 vừa rồi, chuyên gia người Latvia, Maksim Ivancikov đã sang Việt Nam dẫn dắt ĐTQG karatedo. Ông được hưởng một mức lương thuộc diện cao nhất ở các môn ngoài bóng đá với 4.000 USD/tháng. Việc thuê dùng ông thầy từng là cựu võ sỹ vô địch châu Âu được đánh giá giỏi cả về lý luận, phương pháp lẫn kinh nghiệm huấn luyện nằm trong mục tiêu dài hạn chuẩn bị cho ASIAD 2018. Tuy nhiên, ngành thể thao chỉ ký với ông Ivansikov một bản hợp đồng có thời hạn đến hết năm 2015. Chính xác, nó chỉ kéo dài 9 tháng, bắt đầu từ ngày ông có mặt để nhận nhiệm vụ vào giữa tháng 3.
Bản thân vị chuyên gia muốn có một bản hợp đồng dài hơn, ít nhất cũng phải 2 năm, song rốt cuộc cũng đành phải đồng ý khi được giải thích về quy định đặc thù của TTVN và chuyên gia nào cũng thế. Trước đó, chính người tiền nhiệm của Ivancikov, ông thầy Sayed Hassan (Iran) cũng đã chia tay sau bản hợp đồng 9 tháng.
Thực tế, các HLV nước ngoài lâu nay đã quen với những bản hợp đồng năm một, cho dù có gắn bó cả chục năm hay chỉ vài tháng. Thậm chí, nếu ông Ivancikov bắt đầu được thuê từ tháng 9 thì trước mắt cũng chỉ được ký hợp đồng 3 tháng rồi sau đó tính tiếp. Lý do bởi TTVN đã luôn áp dụng quy định tài chính theo năm cho việc thuê chuyên gia năm một, trong khi về chuyên môn hoàn toàn có thể được ký 2 hay 3 năm.
Năm nào biết năm ấy
Ở một mặt nào đó, những bản hợp đồng năm một phù hợp với điều kiện của TTVN, với nguồn kinh phí hạn hẹp. Nó rất an toàn, đồng thời tạo nên một sức ép cần thiết để các chuyên gia buộc phải nỗ lực chứng tỏ mình trong thời gian ngắn nhất. Với một sân chơi tầm thấp theo chu kỳ 2 năm như SEA Games, hay các môn tạm gọi thuộc loại dễ, cách làm này có thể hiệu quả.
Thế nhưng về tổng thể, những bản hợp đồng năm một lại mang đến nguy cơ lớn, gắn với tính thời vụ và ăn đong. Sau 1 năm, các chuyên gia có thể bị ngưng hợp tác vì bất cứ nguyên nhân gì, thậm chí không xuất phát từ chuyên môn, đơn cử khi ngành thể thao gặp khó về kinh phí. TTVN cũng khó mà giữ chân lâu dài được các ông thầy giỏi, đặc biệt với mức lương tụt hậu so với ngay khu vực Đông Nam Á. Và quan trọng nhất, họ sẽ chỉ có thể tập trung tối đa cho việc lo cho thành tích trước mắt, theo đúng nghĩa “năm nào biết năm ấy”. Gần như không có chuyện các chuyên gia ngoại tham gia vào xác lập kế hoạch dài hạn của môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng giải quốc nội, kết nối với các địa phương, bồi dưỡng HLV nội, đào tạo VĐV trẻ… Có một sự thật, hầu hết các chuyên gia đều chỉ xoay sở với một lực lượng có sẵn, không do họ tuyển chọn và quyết định. Có nghĩa là, trong quỹ thời gian năm một, có giỏi đến mấy họ cũng chỉ có thể giải quyết được phần “ngọn”.
Mấu chốt trong việc thuê dùng chuyên gia có lẽ không nằm ở thời hạn vài tháng, 1 năm hay kể cả 3 năm mà chính là cách tiếp cận và tư duy năm một của cả một nền thể thao.
Sỹ Minh
Năm 2009 lần đầu tiên có một chuyên gia ngoại, HLV đẳng cấp cao đến từ nền bóng chuyền hàng đầu thế giới Brazil, Augusto Sabbatini tự xin ứng cử rồi chấp nhận sang thử việc ở ĐTQG nam trong 2 tháng. Dù vậy, chỉ chưa hết nửa thời gian, ông đã rời Việt Nam. Theo lý giải của những người có trách nhiệm, chuyên gia Augusto rất giỏi song không phù hợp với bóng chuyền Việt Nam, chưa kể lại đưa ra mức lương lên tới 5.000 USD. Còn ông thầy này lại cho rằng ngành thể thao chỉ muốn sử dụng ông cho mục tiêu thời vụ SEA Games, và không đáp ứng đề nghị về một bản hợp đồng có thời hạn 2 năm của mình.
17 năm & 17 bản hợp đồng
Chuyên gia nhảy cao người Nga với tên gọi thân mật Misa là HLV nước ngoài đang giữ kỷ lục về thời gian gắn bó với TTVN: 17 năm liên tục, từ 1998 đến 2014. Ông đã có công lớn tạo nên một “mỏ Vàng”, nổi bật với 2 học trò từng vươn tới đỉnh châu lục Bùi Thị Nhung và Nguyễn Duy Bằng. 17 năm làm việc tại Việt Nam của ông cũng trải qua 17 bản hợp đồng năm một. Thậm chí, có nhiều thời điểm, ông cũng không biết chắc sang năm mình có tiếp tục được mời sang nữa không. Có lẽ chính vì chỉ được sử dụng từng năm gói gọn với mấy học trò cho các mục tiêu trước mắt nên ông Misa gần như không thể có đóng góp gì cho nền tảng, sự phát triển bền vững của nhảy cao Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, sau lứa của Nhung và Bằng, nội dung từng là thế mạnh số 1 này lại phải trầy trật làm lại từ đầu.