Suýt chết đuối ở hồ bơi năm 3 tuổi
Dù được NHM cả nước biết đến là một trong những kình xuất sắc nhất của bơi Việt Nam nhưng lúc nhỏ từng Lâm Quang Nhật đã phải suýt chết đuối, với một sự cố hi hữu trong những ngày chập chững tập làm quen với nước.
Năm lên 3 tuổi, trong một lần học bơi ở trường mẫu giáo thì Lâm Quang Nhật được giáo viên để ý đến khi rất dạn nước. Người thầy này đã hỏi mẹ của Quang Nhật - bà Quách Thị Ngọc Hương để xin cho cậu bé này tham gia lớp bơi lội.
Sau khi được bà Hương chấp nhận để cho Quang Nhật đi học bơi, một thời gian sau thì người thầy giáo bất ngờ phải nghỉ ngang để đi nghĩa vụ quân sự. Và một giáo viên khác đến tiếp quản lớp bơi. Cứ ngỡ rằng, cậu bé 3 tuổi Quang Nhật đã biết bơi nên giáo viên này ôm quăng xuống nước như bao đứa trẻ khác. Vài phút sau, cả bể bơi bỗng im bặt đi vì không thấy Quang Nhật đâu nữa, khi ấy thì người thầy mới hoảng hốt nhảy xuống để cứu cậu bé lên. Giờ đó đã trở thành một kỷ niệm khó quên, song khi đó cậu bé đã sợ tới “mất mật”.
10 tuổi tính đến chuyện giã từ
Đến với đường bơi xanh như một cái duyên nhưng thuở nhỏ Quang Nhật không hề mảy may nghĩ mình sẽ theo nghiệp bơi. Với gia đình và bản thân Nhật, bơi chỉ là một hình thức nâng cao sức khỏe, vui chơi giải trí.
Sau những chiếc huy chương ở cấp quận, Quang Nhật bắt đầu có dấu hiệu chững lại so với các bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt, thời điểm Quang Nhật lên 10 tuổi, thành tích không có sự tiến bộ nhiều do cơ thể chậm phát triển so với các bạn. Lúc ấy, gia đình Nhật đã tính toán cho Nhật dừng hẳn chuyện bơi lội để đầu tư vào việc học.
Đứng giữa ngã rẽ 2 định mệnh, Quang Nhật đã quyết định tiếp tục cố gắng theo đuổi bơi tới cùng, với một suy nghĩ đơn giản là phải khẳng định được mình cho bằng được. Phần nào đó, chính niềm đam mê và ý chí sắt đá của kình ngư này lại xuất phát từ sự tự ái và hiếu thắng vô cùng dễ thương. Nhật lao vào tập luyện miệt mài, kết hợp với những bài tập và chế độ dinh dưỡng để nhanh chóng nâng cao các chỉ số chuyên môn.
Kỷ lục gia của đường bơi số 1
Có tới 6 năm ròng, Quang Nhật đã chấp nhận đóng vai “người vô danh”, nhất là khi lại được đặt vào một nội dung siêu khó như 1.500m tự do. Có thể làm người khác nản, song cảnh khó ấy lại càng khiến Nhật quyết tâm, nỗ lực. Và ở ngay lần đầu xuất hiện tại một giải quốc tế lớn, SEA Games 2013, gương mặt trẻ lạ hoắc đã gây chấn động với tấm HCV ngoài sức tượng của giới chuyên môn ở 1.500m tự do. Thêm 2 năm rèn giũa, đến SEA Games 2015, Nhật đã bảo vệ thành công ngôi vô địch bằng một thông số phá sâu kỷ lục Đại hội.
Ở tuổi 18, kỷ lục gia SEA Games của đường bơi số 1 này đang tràn đầy cơ hội nâng đẳng cấp lên tầm châu lục chứ không dừng ở đỉnh cao khu vực. Nhật vừa có quyết định quan trọng gác chuyện học sang một bên để có thể dốc hết tâm sức cho nghiệp bơi. Theo Quang Nhật, sau khi kỳ tốt nghiệp 12 trong năm nay thì kình ngư này không còn vấn bận chuyện sách vở và chỉ học trở lại sau khi giải nghệ.
Mục tiêu trước mắt mà Nhật đang nhắm tới là phấn đấu đạt tới chuẩn A Olympic để đảm bảo 1 suất chính thức tới Brazil tranh tài vào năm tới. Hiện tại, Nhật đã đạt chuẩn B, một mức mới chỉ có 50% cơ hội lọt vào danh sách.
Dù có một bộ sưu tập thành tích “khủng”, là một kình ngư trọng điểm hàng đầu của bơi TP.HCM và Việt Nam song Lâm Quang Nhật chưa bao giờ biết bản thân mình có được bao nhiêu tiền thưởng, hay hàng tháng lĩnh được bao nhiêu tiền. Một phần vì Nhật chỉ quan tâm tập trung cho việc tập luyện, thi đấu, phần nữa bởi thực sự quá ít nhu cầu cho bản thân và gần như không biết tiêu tiền. Có bao nhiêu tiền, Nhật chỉ biết đưa hết cho mẹ.
Ngoài Ánh Viên đã chắc suất chính thức tới Olympic 2016 khi đạt tới 3 chuẩn A, bơi Việt Nam còn có thể trông chờ có thêm đại diện tới Brazil khi có tới 3 kình ngư nam cũng có chuẩn B gồm Lâm Quang Nhật (1.500 m), Hoàng Quý Phước (100m tự do) và Trần Duy Khôi (200m hỗn hợp). Theo quy định, mỗi nội dung ở Olympic sẽ lấy 99 kình ngư.