Cách đây 3 năm, tại Tokyo, Nguyễn Tiến Minh khiến tất cả phải ngả mũ với sự bền bỉ khi tham dự Olympic lần thứ 4 ở tuổi 38. Tay vợt cầu lông này cũng là VĐV của Việt Nam tham gia nhiều kỳ Olympic nhất. Ngả mũ trước Tiến Minh bao nhiêu thì giới thể thao cũng như người hâm mộ dành sự thán phục bấy nhiêu cho đô cử Châu Hoàng Tuyết Loan.
Nữ VĐV cử tạ sinh năm 1975 sẽ có kỳ Paralympic thứ 6 vào đầu tháng 9 này tại Paris 2024. Loan chính là hiện thân cho sức mạnh, ý chí phi thường của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam để đến với ngày hội trên toàn thế giới.
Ít ai biết được, đô cử 49 tuổi không chỉ chiến đấu với số phận mà còn vượt qua cả căn bệnh ung thư quái ác để gắn bó với nghiệp thể thao.
Khi mới 6 tuổi, Tuyết Loan bị liệt hai chân. Thế là, cô bé mồ côi cha phải trông vào cả đôi tay. Mọi sinh hoạt của cô đều hết sức khó khăn. Đến sau này, Loan mới đi lại bằng xe lăn. Số phận đẩy Loan vào hoàn cảnh éo le ngay từ thuở còn là cô bé ngây thơ. Loan phải tự vượt lên số phận để sống, để tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
Với cô gái nghèo khó quê Khánh Hòa này, từ bỏ không nằm trong ý nghĩ của mình. Cô can trường, lạc quan và giàu nghị lực ở cái tuổi mà đối với những cô, cậu đồng trang lứa, họ chỉ ở tuổi ăn, tuổi chơi.
Loan không nề hà bất cứ việc gì, dù khiếm khuyết của cơ thể khiến cô phải mất nhiều thời gian để làm quen. Và rồi, Loan cũng tìm ra chân ái cho mình với nghề thợ may sau khi trải qua nhiều nghề. Loan may đẹp, dễ mến và được nhiều người thương yêu.
Với Loan, cuộc sống sẽ thiếu đi ý nghĩa nếu chấp nhận thực tại bên chiếc máy may. Cô tìm đến thể thao, chơi nó như bứt ra giới hạn bản thân. Khoảng hơn 10 năm về trước, cô bén duyên với cử tạ như một định mệnh đã sắp đặt. Ở môn thể thao đòi hỏi ý chí, sức mạnh hơn người, Loan không hề bỏ cuộc. Cô tận dụng mọi thời gian rảnh để tập luyện và cứ mỗi cuộc thi đấu, Loan gắng hết sức có thể để chứng minh, con đường cô đang đi là đúng.
Những tấm huy chương liên tiếp ở các giải trong nước lẫn quốc tế càng hun đúc ý chí, nghị lực của đô cử này. Ấy vậy, số phận cứ trêu ngươi cô. Chuỗi bi kịch mà cô nhận lấy từ nhỏ vẫn chưa đủ với đô cử này.
Thời điểm đầu những năm 2010, Loan phát hiện bị ung thư vòm họng. Cô điếng người sau khi biết mình bị căn bệnh quái ác. Cuộc sống đang dần trở nên êm ả hơn bỗng tai họa lại ấp xuống. Thế nhưng, Loan không gục ngã. Cô luôn giữ sự lạc quan, yêu đời và dùng sức mạnh thể thao để đẩy lùi bệnh.
Sau khi bị bệnh, cô xin nghỉ để chuyên tâm điều trị. Với một người từng trải qua những sóng gió, bão táp tưởng như không thể vượt qua được của cuộc đời, Loan không bị đánh gục bởi bệnh tình. Cô đã chiến thắng ung thư sau 1 năm điều trị.
Chiến thắng ung thư, Loan trở lại với cử tạ. Chỉ trong thời gian ngắn, cô lấy lại nền tảng sức mạnh để vượt qua cuộc tuyển chọn và giành vé dự Paralympic tại London năm 2012. Loan khiến cả thế giới lặng người và thán phục khi biết đến câu chuyện của mình.
Câu chuyện về cô gái bị liệt hai chân đánh bại ung thư vòm họng trong hai năm đã được kênh truyền hình BBC (Anh) xây dựng thành một phóng sự đẫm nước mắt nhưng đầy hào hùng. Nó đến từ ý chí ghê gớm, sức mạnh phi thường cùng nghị lực can trường của Châu Hoàng Tuyết Loan.
Phóng sự phát sóng đã khiến cả đại hội xúc động. Biết bao giọt nước mắt đã rơi, nó đến chính từ các VĐV tật nguyền như Loan để dành đến cô sự ngưỡng mộ sâu sắc. Sự cảm phục đến từ những người yêu thể thao trên toàn thế giới.
Và Loan đến London không chỉ để nhắc nhở về tinh thần, ý chí mà cô còn đến để khẳng định chuyên môn. Tại đây, Loan xếp hạng 5 chung cuộc dù thời gian chuẩn bị không dài. Đằng sau những câu chuyện đẫm nước mắt vì nghị lực đó là một Châu Hoàng Tuyết Loan từng trải qua nghịch cảnh để đến và cống hiến lâu dài cho thể thao.
Cô từng phải chấp nhận tình cảnh của một VĐV nghiệp dư. Từ đó, khoản hỗ trợ của thể thao Khánh Hòa chỉ dừng ở mức 400.000 đồng rồi 600.000 đồng/tháng. Số tiền quá ít ỏi so với vô số tấm huy chương ở đấu trường quốc tế mà Loan dành được để làm rạng rỡ thể thao tỉnh nhà.
Cô chỉ có thể hưởng xứng đáng tiền chế độ tập luyện, thi đấu khi lên tuyển hay làm nhiệm vụ cho tỉnh nhà. Thế nhưng, quỹ thời gian tập trung đó cũng chỉ 1-2 tháng mỗi năm. Ấy vậy, Loan không quá bận tâm. Cô vẫn hăng say tập luyện.
Ở tuổi 49 c, VĐV giàu nghị lực này vẫn miệt mài tập luyện, vượt lên nghịch cảnh để rồi, cô tiếp tục vinh dự đại diện cho thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris.
Con số 6 lần liên tiếp dự Paralympic cùng hàng loạt tấm huy chương quốc tế đủ khiến những ai nhìn vào Loan đều dành sự ngưỡng mộ, thán phục về ý chí, sức mạnh để giữ tinh thần lạc quan, để thấy bản thân vẫn còn nhiều may mắn.