Chuyện đầu tư cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: 44 tháng, 9 tỷ & 1 nỗi niềm

thứ bảy 15-8-2015 15:15:32 +07:00 0 bình luận
Ánh Viên được đầu tư chưa đến 5 năm, trong đó mới có 3 năm 8 tháng luyện tài trên đất Mỹ. Đó là lý do để nuối tiếc cho kình ngư 19 tuổi này bởi ngay cả một tài năng tầm cỡ như Viên cũng được phát hiện, đưa vào quy trình đào tạo muộn so với chuẩn quốc tế.

14 tuổi 5 tháng mới được đặc cách lên Tuyển

Kình ngư Singapore, Joseph Schooling mới 12 tuổi đã được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn. Cũng ở tuổi đó, Ánh Viên mới bắt đầu xuất hiện tại Hội khỏe Phù Đổng TP. Cần Thơ với những tố chất hiếm có, rồi được tuyển vào đội bơi Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. Rất thiệt thòi vì tại đây Viên chỉ có điều kiện tập luyện, dinh dưỡng rất hạn chế, không có bất cứ dấu ấn nào của khoa học công nghệ. HLV cũng dẫn dắt học trò bằng giáo án cũ và chủ nghĩa kinh nghiệm.

Chuyện đầu tư cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: 44 tháng, 9 tỷ & 1 nỗi niềm
Ánh Viên được xác định là mục tiêu đầu tư trọng điểm.

Bất chấp những bó buộc ấy, Viên vẫn sớm nổi lên như một kình ngư trẻ triển vọng nhất của bơi Việt Nam, nhờ vào năng khiếu đặc biệt và nỗ lực của bản thân. Đến năm 2011, thiếu nữ đất Tây Đô đã hoàn toàn vô đối tại các giải trẻ trong nước và Đông Nam Á, cũng như tranh chấp sòng phẳng với các đàn chị ở ĐTQG.

Ngã rẽ sự nghiệp của Viên chỉ có được lúc đã 14 tuổi 5 tháng khi được đặc cách lên ĐTQG vào tháng 4/2011 với vai trò quyết định của chính HLV Đặng Anh Tuấn. Ông đã đứng ra bảo lãnh, qua nhiều lần bền bỉ thuyết phục mới có thể đưa “ngọc thô” vào danh sách ĐTQG. Chỉ mất đúng 7 tháng, gương mặt lạ này đã gây chấn động SEA Games 26 với 2 HCB. Và nếu có thêm chút sức bền, Viên có thể đoạt ngôi đầu nội dung 400m hỗn hợp khi vượt lên dẫn đầu suốt 350m.

Chuyến đi Mỹ gian khó và… may mắn

Bây giờ kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng cho Ánh Viên đã không còn là vấn đề nan giải, với hiệu quả xứng đáng đến từng đồng. Tuy nhiên, tình thế hoàn toàn khác với quyết định được hình thành từ cuối năm 2011: Đưa  Ánh Viên sang Mỹ ăn tập dài hạn.

Khi ấy Viên mới 15 tuổi đã đoạt 2 HCB ngay kỳ SEA Games đầu tiên nhưng chuyện sang Mỹ tập huấn là bài toàn rất khó giải, nhất là kinh phí không dưới 100.000 USD/năm. Số tiền tương ứng 2 tỷ đồng này thậm chí còn hơn cả tổng kinh phí môn bơi được cấp mỗi năm. Tưởng chừng mọi việc đi vào ngõ cụt, thì rất may khi các nhà quản lý huấn luyện môn bơi đề xuất là được lãnh đạo đồng ý ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức: Ngành thể thao chi 60.000 USD còn đơn vị chủ quản Quân đội chi 40.000 USD.

Giải quyết được nút thắt, những người có trách nhiệm phải trực tiếp bay sang Mỹ để khảo sát, liên hệ địa điểm, chuyên gia, điều kiện ăn ở sinh hoạt. Thời gian đầu của chuyến xuất ngoại từ đầu năm 2012 là một cuộc thử thách với thầy trò Viên khi cả hai  lạ lẫm với mọi thứ, chưa kể những rắc rối phát sinh do những quy định đặc thù của các CLB Mỹ.

Áp lực càng bị đẩy cao hơn khi người đi cùng đợt với Viên là Quý Phước quay về nước. Từ đó đã dấy lên dư luận, ngay cả trong giới chuyên môn, về một chuyến xuất ngoại ném tiền qua cửa sổ. Nó chỉ ổn thỏa khi Viên đoạt 5 HCV, đạt 4 chuẩn Olympic tại giải Đông Nam Á không lâu sau đó.

Rõ ràng, giới chuyên môn cùng NHM có lý do để nuối tiếc bởi Viên được tập trung đầu tư quá muộn so với các kình ngư hàng đầu thế giới. Song nhìn từ thực tế của TTVN, với cách thức phát hiện, đào tạo kiểu “lúa trời”, Viên đã là một trường hợp ngoại lệ và may mắn, dù rằng vẫn vô cùng nuối tiếc: Viên còn tiềm năng để phát huy nhưng cũng đã 19 tuổi.

HÀ THẢO

Khác với Hoàng Quý Phước có xuất phát điểm rất bài bản, rõ nhất với một cuộc kiểm tra y sinh toàn diện bằng máy móc chuyên dụng hiện đại ngay từ đầu, Ánh Viên đã phải trải qua 4 năm tập luyện mang nặng tính tự phát. Phải đến khi sang Mỹ, tài năng số 1 của bơi Việt Nam mới biết về chỉ số hình thể, chuyên môn của mình; được làm quen với các bài tập thể lực, kỹ thuật hay chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, dưới dự kèm cặp của thầy Tuấn cùng 2 chuyên gia ngoại đẳng cấp.

Tổng đầu tư 9 tỷ đồng

Ánh Viên đang là tuyển thủ Việt Nam nhận được mức đầu tư “khủng” nhất lịch sử với tổng kinh phí theo thống kê khoảng 9 tỷ đồng trong 4 năm, tính đến hết năm 2015. Riêng năm 2015, khoản kinh phí là 140.000 USD do ngành thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội mỗi bên chi một nửa. Dự kiến, năm tới, con số này được tăng lên 200.000 USD nhằm giúp Viên tăng cường tối đa việc dự tranh các giải quốc tế lớn trong hệ thống nhằm đạt thành tích cao nhất tại Olympic 2016.

Là một kỷ lục của Việt Nam, song khoản 9 tỷ đồng đầu tư cho Ánh Viên chưa ăn nhằm gì nếu so với mức chung của quốc tế. Ví dụ kình ngư Schooling mỗi năm được Singapore đầu tư 900.000 USD. Riêng số tiền của gia đình đầu tư cho kình ngư vừa giành HCĐ giải VĐTG 2015 này đã là 1 triệu USD.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm