Quang Liêm dừng lại, cờ vua hết hy vọng
Dù Quang Liêm khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với nghiệp cờ, cũng như có điều chỉnh hợp lý giữa việc học văn hóa và tập luyện, thi đấu tại trường Đại học Webster, thực tế thì sự phát triển của anh đang dừng lại. Chính xác hơn, nó đã thụt lùi thấy rõ trong 2 năm qua. Và nếu tình trạng nửa vời đó kéo dài, anh cũng sẽ mất luôn cơ hội trở thành một trong những kỳ thủ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, dù từng ở rất gần.
Không có một tài năng xuất chúng nào có thể thành công trên đỉnh quốc tế khi mỗi năm chỉ dự tranh 3-4 giải đấu, mất quá nửa thời gian và tâm sức cho lĩnh vực ngoài chuyên môn.
Quang Liêm dừng lại, cờ vua Việt Nam cũng hoàn toàn hết “cửa” cho các mục tiêu quốc tế. Bởi phía sau và bên cạnh nhà vô địch thế giới cờ chớp này là một khoảng trống hun hút. Đơn cử, kỳ thủ số 2 Nguyễn Ngọc Trường Sơn lâu nay vẫn chỉ có trình độ ở cuối nhóm 2 thế giới, với phong độ thiếu ổn định. Anh chỉ có thể gánh vác nhiệm vụ tại các giải khu vực và phải xuất thần lắm mới tranh chấp được ở tầm mức khu vực. Chưa kể so với phần còn lại của cờ Việt Nam, chính Sơn cũng đã vượt trội. Hay kỳ thủ “nhí” Nguyễn Anh Khôi đang nổi lên như một “Quang Liêm 2.0” nhưng để theo được đàn anh thì còn phải phấn đấu mệt nghỉ trong hàng chục năm nữa.
Mất Tiến Minh, cầu lông chẳng còn gì
Lần đầu tiên sau 10 mùa giải Vietnam Open, Nguyễn Tiến Minh đã bị loại ngay từ vòng 3 đơn nam. Kết quả đó đã minh chứng rõ, cựu binh tuổi 33 giờ đã chạm tới đáy của sự nghiệp mà muốn duy trì ở mức tối thiểu nhất cũng không còn có thể. Ai cũng hiểu, sở dĩ Minh còn cố gắng theo nghiệp đến hết 2016 là bởi muốn dự thêm một kỳ Olympic, và quan trọng hơn là còn ràng buộc với nhà tài trợ.
Mất Tiến Minh, cầu lông Việt Nam chẳng còn gì để thi thố với quốc tế. Qua những gì đã thể hiện, có thể khẳng định tay vợt nữ đang đứng trong Top 50 thế giới Vũ Thị Trang sẽ không bao giờ đạt tới đẳng cấp của đàn anh. Mà bản thân Trang cũng đã là một ngoại lệ của môn này, nhất là trong tình cảnh các tài năng trẻ Cao Cường, Hà Anh, Thu Huyền “lớn” quá chậm.
Nghịch cảnh “con độc”
Chỉ với trường hợp của Quang Liêm và Tiến Minh, cả một nền thể thao đã nghiêng ngả. Đơn giản vì họ chính là những gương mặt nổi bật trong số những “con độc”, nhẩm đếm chưa hết mười đầu ngón tay của TTVN thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Xét trong cách nghĩ cách làm hiện tại của ngành thể thao, để có được thêm một tài năng đặc biệt như Liêm hay Minh thực sự rất khó, nếu không muốn nói là không thể trong nhiều năm tới. Cả một quy trình từ phát hiện, đào tạo, đãi ngộ VĐV đều giống như “lúa trời”, chỉ trông chờ vào sự may rủi. Ngay Quang Liêm hay Tiến Minh, khi đã bước ra thế giới cũng chưa hề được chăm lo, đầu tư đến nơi đến chốn, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Suy cho cùng, với TTVN sự xuất hiện của một vài “con độc” như Minh, Liêm cũng đã quá may mắn.
HÀ THẢO
Theo tôi có 4 nguyên nhân khiến môn cầu lông nói riêng và cả TTVN chưa thể đột phá, vẫn phải chấp nhận tình cảnh chỉ có một số ít “con độc” như Tiến Minh hay Quang Liêm. Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng cao nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều VĐV dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Thứ ba, chúng ta không thiếu nhân tố triển vọng nhưng rất ít người được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn. Thứ tư, chế độ đầu tư, đãi ngộ dành cho một số tài năng đặc biệt còn rất hạn chế”.
Bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM.