Chuyện Chủ tịch Liên đoàn - Hiệp hội Thể thao: “Bến đỗ” của quan chức nghỉ hưu

thứ tư 16-12-2015 22:34:22 +07:00 0 bình luận
Việc một quan chức nghỉ hưu vẫn làm Chủ tịch và làm tốt là chuyện bình thường. Thế nhưng sự “đổ bộ” hàng loạt của các vị Chủ tịch đã nghỉ hưu cùng thực tế tại các tổ chức xã hội - nghiệp thể thao lại cho thấy sự bất thường.

Nghỉ hưu…kiểu thể thao

Trong số 25 LĐ- HH Thể thao Quốc gia hiện tại có tới 16 vị Chủ tịch là quan chức Nhà nước hay lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã nghỉ hưu hay sắp nghỉ hưu. Có người chuẩn bị nghỉ hưu vẫn vui vẻ nhận lời, chính xác hơn còn rất chủ động, để nhận lời làm Chủ tịch, dù thừa biết mình có thể làm gì.  Có người đã hưu trí rất lâu cũng…  không từ chối sự tái cử hay thậm chí làm Chủ tịch lần đầu, bất chấp hiệu quả sẽ như thế nào.

Từ một số trường hợp điển hình, người ta còn nói về hiện tượng hưu trí kiểu thể thao. Có nghĩa là, lãnh đạo của ngành thể thao và lĩnh vực liên quan, trước khi nghỉ hưu đã thu xếp sẵn cho mình một vị trí ở một hay một vài  tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể thao.

Ở đây phần nào đó, họ đã nhìn nhận đó chỉ là một “bến đỗ” để tiếp tục có được danh vị, vai trò cùng niềm vui tuổi già cho mình, còn có thể đóng góp ra sao không quá quan trọng.

Chính bởi thế, có vị chỉ trong đúng 1 năm trước và sau khi nghỉ hưu còn được bầu làm Chủ tịch của 3 LĐ- HH.

Chỉ dự họp và trao thưởng

Không thể phủ nhận, một số ít các vị Chủ tịch là quan chức nghỉ hưu vẫn thể hiện được năng lực, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chí ít cũng ở dấu ấn thường xuyên với các hoạt động lớn của LĐ-HH. Thế nhưng, đánh giá một cách thẳng thắn, hầu hết các vị Chủ tịch này  đều chỉ “đánh trống ghi tên” trong cả 5 năm, cho tới khi có thể lại được bầu làm thêm một nhiệm kỳ nữa vì nhiều lý do khác nhau.

Người ta chỉ thấy sự xuất hiện của Chủ tịch một vài lần mỗi năm để chủ trì hội nghị tổng kết vào cuối năm hay phát biểu khai mạc, bế mạc và trao thưởng tại một vài giải đấu.

Nếu LĐ - HH hay môn thể thao mà vị Chủ tịch “cầm chịch” có vấn đề gì, nhất là những vụ làm xùm,  người ta cũng mặc nhiên phải coi ông gần như vô can bởi ông đã... “nghỉ hưu và có làm gì đâu”. Mọi chuyện đổ hết cả lên đầu ông Tổng thư ký vốn thường do cán bộ của ngành thể thao kiêm nhiệm.

Điều này đã diễn ra như một “điệp khúc” buồn ở nhiều LĐ- HH, từ quần vợt, bóng bàn cho tới vovinam, taekwondo.

Không thể là mãi là “bến đỗ”

Sự áp đảo của các vị Chủ tịch là quan chức hưu trí thực sự đã khiến cho phần lớn các tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao đã và đang phải trả giá. Trong thời gian qua, một số LĐ- HH đã cố gắng và buộc phải sửa sai trước đòi hỏi của thực tế, hay tình thế không thể khác.

Một tín hiệu rất đáng mừng khi một số vị Tân Chủ tịch đã được tìm kiếm, mời gọi theo xu hướng trẻ hóa và xã hội hóa. Tuy nhiên, nó vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tình huống chứ không phải là một chủ trương, định hướng thống nhất và được thực hiện đồng bộ, quyết liệt theo một tiêu chí chung quyết định: Chủ tịch phải là người làm và thực sự có thể làm được.

Có nhiều giải pháp cấp bách đặt ra để “giải cứu” các LĐ- HH đang tồn tại hình thức, thụ động giống như một cánh tay nối dài mờ nhạt của ngành thể thao. Trong đó, điều đầu tiên phải giải quyết dứt điểm tình trạng vị trí Chủ tịch chỉ là “bến đỗ” của các quan chức nghỉ hưu.

Rất khó hy vọng gì vào các LĐ- HH thể thao quốc gia khi mà mẫu hình phổ biến về nhân sự lại đang là “cặp đôi hoàn cảnh”: Chủ tịch hưu trí và Tổng thư ký kiêm nhiệm. Thậm chí, một vài tổ chức đang xảy ra tình trạng cả Chủ tịch và Tổng thư ký đều là người đã nghỉ hưu.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm