Hiện tại, các LĐ-HH đều đang gặp khó trong việc tìm kiếm, phát huy vai trò, hiệu quả của vị Chủ tịch, thậm chí có trường hợp còn phải hoãn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới cũng vì bài toán nhân sự VIP này.
Dù có nhiều nguyên nhân song ngay từ bước chuẩn bị, cho tới thực tế mờ nhạt của hầu hết các Chủ tịch đều gắn với cách tiếp cận lệch ngay từ gốc của ngành thể thao, cũng như từng môn: Mời chọn Chủ tịch theo tên, mang tính cá nhân. Đích mà các LĐ- HH luôn nhắm tới là vị Thứ trưởng này, hay doanh nhân kia, và càng “oách” càng “nổi” càng tốt. Nó mang tính cá nhân cụ thể chứ không đáp ứng được tiêu chí quyết định nhất: Gương mặt ấy có phù hợp hay có thể làm gì cho tổ chức, cho môn mình làm Chủ tịch.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, nhiều LĐ-HH đã chỉ “xây dựng” nên Chủ tịch của mình ở một góc hẹp, chỉ cốt để tận dụng vị thế, tầm ảnh hưởng, hình ảnh của cá nhân vị Chủ tịch chứ không phải hành động. Rất bi hài vì nhiều vị Chủ tịch trước khi đảm trách vị trí yếu nhân số 1 của LĐ-HH chưa từng có bất cứ kinh nghiệm hay sự liên quan gì đến lĩnh vực thể thao, hay môn mình sẽ gánh vác sự phát triển trong ít nhất 5 năm.
Cả người mời lẫn người nhận đều gặp nhau ở một điểm duy nhất, khi đều coi Chủ tịch như một vị trí “hữu danh” là chính. Vị Chủ tịch nhiều khi cũng chỉ vì có quan hệ, quá nể lời mời hay đơn giản đam mê mà nhận lời “đứng ra làm Chủ tịch. Còn ngành thể thao, trực tiếp là các Bộ môn, mời được vị Chủ tịch VIP cũng coi như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các vị Chủ tịch đa phần đều chỉ coi việc bên LĐ-HH chỉ là để giúp thể thao, chứ không phải một nhiệm vụ hay trách nhiệm, trong khi phía thể thao thực chất cũng chưa bao giờ đòi hỏi Chủ tịch phải như thế nào. Mọi chuyên đều hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian, điều kiện, khả năng, hay sự quan tâm của vị Chủ tịch, đúng nghĩa được chăng hay chớ.
Và hầu hết các LĐ-HH đều từng phải vỡ mộng với Chủ tịch của mình, đành phải ngậm đắng nuốt cay vì không biết trách ai. Một vị quan chức vừa được bầu làm Chủ tịch bất ngờ chuyển công tác, hay chỉ sau một thời gian ngắn nghỉ hưu, cũng gần coi như LĐ-HH mất Chủ tịch. Một doanh nhân làm Chủ tịch tưởng như rất thuận lợi để tạo nguồn kinh phí cho LĐ-HH song thực tế khác hẳn. Vị Chủ tịch doanh nhân không thể lấy tiền của doanh nghiệp mình để tài trợ hay hỗ trợ cho LĐ-HH, hay môn mình đang giữ trọng trách, hay nếu có chỉ nhỏ giọt…
Các LĐ-HH thể thao quốc gia đang thiếu hẳn một cơ chế hay môi trường để tìm kiếm những người phù hợp cho chức danh Chủ tịch, và quan trọng hơn phát huy được cao nhất tâm huyết, năng lực của họ.
Cuối cùng, trong hầu hết các trường hợp, cả hai bên đều… vỡ mộng. Nhất là phía thể thao, từ chỗ đặt biết bao kỳ vọng, đến chỗ thất vọng hoàn toàn, nhiều khi chỉ có một ông Chủ tịch “đứng tên” trong cả nhiệm kỳ mà chẳng làm gì. Còn nhiều vị Chủ tịch, khi nhận lời tham gia LĐ-HH, cứ tưởng việc bên thể thao chỉ “vui vẻ, trẻ trung” đâu ngờ phức tạp và nhiêu khê ngoài sức tưởng tượng.
Cách thức mời chọn và sử̉ dụng Chủ tịch cho các LĐ-HH của ngành thể thao đang là lý do quan trọng khiến cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của ngành thể thao đang dậm chân tại chỗ.
Tính đến thời điểm này có 7 trong tổng số 25 tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể thao quốc gia có Chủ tịch là doanh nhân, gồm các LĐ-HH Bóng đá, Cờ vua, Điền kinh, Boxing, Bóng rổ, Bóng chuyền và Golf.