Quan chức, doanh nhân đều thiếu hiệu quả
Liên đoàn Cờ Việt Nam từng có vị Chủ tịch VIP mà không chỉ vị thế và quan hệ xã hội, ngay cả điều kiện sẵn có cũng thực sự lý tưởng:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Cũng đúng giai đoạn này, Cờ xuất hiện nhiều tài năng sáng giá tầm quốc tế như Hoàng Thanh Trang, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm. Giới chuyên môn cùng người yêu cờ khi ấy đều tin tưởng về một cuộc bùng nổ về phong trào gắn với trường học, hay các nguồn đầu tư, liên kết hợp tác quốc tế dồi dào…
Thế nhưng, qua 2 nhiệm kỳ do người đứng đầu ngành giáo dục làm Chủ tịch, Cờ Việt Nam gần như không có nhà tài trợ, không tiến thêm được bước nào vào trường học. Ai cũng công nhận vị Chủ tịch rất tâm huyết và trách nhiệm, song thực tế hoạt động lại khác hẳn.
Một phần vì ông quá bận rộn, phần quan trọng nhất, có muốn ông cũng khó làm được gì bởi cả môn Cờ quanh đi quẩn lại chỉ lo nghĩ tới việc tổ chức giải đấu và tập huấn thi đấu của ĐTQG. Từ văn phòng, tới các ban bệ của Liên đoàn đều bất động.
Đến nhiệm kỳ mới từ năm 2010, môn Cờ đã xoay sang một hướng hoàn toàn mới, khi mời một doanh nhân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Phương Trang làm Chủ tịch Liên đoàn. Rất nhiều kế hoạch đột phá đã được vạch ra, nhất là kinh phí. Và hoạt động của Liên đoàn cũng có khởi sắc rõ rệt, với khoản tài trợ tiền tỷ từ doanh nghiệp của một vài thành viên Ban Chấp hành. Lần đầu tiên, Liên đoàn đã có thể hỗ trợ một khoản thu nhập hàng tháng đáng kể cho các nhân sự chủ chốt.
Dù vậy, tất cả chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm rồi đâu lại vào đấy. Vị Chủ tịch doanh nhân từng được kỳ vọng bỗng dưng biến mất khỏi các hoạt động mà không một lời giải thích.
Như vậy, cả hai phương án Chủ tịch quan chức hay Chủ tịch doanh nhân của Liên đoàn Cờ Việt Nam đều đã thất bại.
Tính lệch và giải sai
Xét về chuyên môn thuần túy, Cờ Việt Nam đã sớm tạo ra một cách làm riêng biệt và hiệu quả cho mình để chí ít cũng có thể vượt qua nhiều gian khó, phát triển mảng “mũi nhọn” ngang tầm châu lục, tiếp cận với thế giới. Chỉ có điều, riêng mô hình tổ chức và nhân sự, rõ nhất với vị trí Chủ tịch, Liên đoàn của môn thể thao trí tuệ này vẫn “tính lệch” và “giải sai” hết lần này tới lần khác.
Cho tới thời điểm một nhiệm kỳ 5 năm vừa kết thúc, chính một vị lãnh đạo kỳ cựu từng tham gia Liên đoàn ngay từ khi thành lập, đã phải cay đắng thừa nhận, nếu cứ tiếp tục tìm kiếm và mời gọi kiểu này “ai làm Chủ tịch cũng… thua”. Cờ cũng giống như hầu hết Liên đoàn khác luôn chỉ có được một vị Chủ tịch đáp ứng được phần “ngọn” chứ không giải quyết được phần “gốc” chính là tính độc lập, sự tự chủ và khả năng thực sự. Vị Chủ tịch nào cũng sẽ bó tay khi đứng đầu một tổ chức mà cái gì cũng thiếu, trước hết là một Tổng thư ký chuyên trách, một văn phòng đủ mạnh.
Ở chiều ngược lại, chính Liên đoàn Cờ Việt Nam lại rơi vào tình cảnh bị phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào vị Chủ tịch của mình, mà không có bất cứ sự ràng buộc nào. Và khả năng thay thế một người mới lại càng không thể, cho dù vị Chủ tịch có thể chỉ vài lần “điểm danh” trong suốt nhiệm kỳ, sớm thể hiện sự không phù hợp, thậm chí còn cản trở hoạt động của cả tổ chức.
Do vị Chủ tịch bỗng dưng… biến mất, mọi hoạt động của Liên đoàn Cờ Việt Nam từ mấy năm nay chỉ còn trông cậy vào Phó Chủ tịch là cán bộ ngành thể thao nghỉ hưu Đặng Tất Thắng và Tổng thư ký kiêm nhiệm Nguyễn Phước Trung.
Nhiệm kỳ 2010-2015, Liên đoàn Cờ Việt Nam có tới 6 doanh nhân của các doanh nghiệp mạnh tham gia vào Ban Chấp hành, một con số kỷ lục trong các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia. Trong đó, ngoài ông Chủ tịch là người đứng đầu của Công ty Phương Trang, còn có đại diện đến từ những doanh nghiệp rất “oách” như Công ty Đầu tư Tài chính Dragon Capital, Tập đoàn Thép Việt Nam, Công ty cờ VietChess, Công ty Ô tô Hòa Bình. Tuy nhiên, việc tạo nguồn kinh phí của Liên đoàn diễn ra èo uột với mức chỉ khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, đều theo phương thức tài trợ trực tiếp cho một vài giải đấu.
Trong nhiệm kỳ Liên đoàn Cờ Việt Nam có vị Chủ tịch là người đứng đầu ngành giáo dục, rất bi hài khi siêu kỳ thủ Quang Liêm từng nhiều lần khốn khổ vì mâu thuẫn giữa việc tập luyện thi đấu và việc học văn hóa
Vào tháng 06/2006, Liêm từng suýt phải bỏ giải Olympiad do trùng với kỳ thi tốt nghiệp. Cuối cùng, gia đình phải viết đơn lên liên ngành thể thao - giáo dục, và cũng phải chờ xem xét rất lâu mới được miễn thi tốt nghiệp. Đến nhiệm kỳ của Chủ tịch doanh nhân, Liêm lại dính vào một sự vụ khác khi bị “xù” khoản tài trợ 150.000 USD từ một nhà tài trợ thông qua Liên đoàn, đến thời điểm này mới chỉ nhận được chưa đến 15.000 USD.