Từ chiếc xe cà tàng “kêu như xe tăng”
Kỳ Đại hội năm 1999 là lần đầu tiên nội dung băng đồng nữ được đưa vào chương trình thi đấu. Việt Nam chỉ có một đại diện duy nhất Thanh Huyền, người vừa mới chuyển sang tập luyện sau 6 năm trầy trật với nội dung đường trường. Không có kinh phí cả trăm triệu đồng để sắm chiếc xe chuyên dụng, ngành thể thao đã để cho Huyền phải “làm bạn” với chiếc xe cà tàng mà mỗi lần đổ đèo lại “kêu như xe tăng”. Đã vậy khi sang đến Brunei, chiếc xe cũ nát ấy lại khiến tuyển thủ người Hà Nội khốn khổ vì liên tục giở chứng, hỏng hóc đủ thứ cứ phải vừa tập vừa sửa.
Cua – rơ Thanh Huyền đã giành HCV SEA Games 1999 với chiếc xe đạp đi mượn.
Đêm trước ngày đấu, chuyên gia Yuri Dimitrev đã phải thức đến 2h sáng để cố gắng gia cố lại chiếc xe rồi cũng phải ngao ngán lắc đầu bất lực. Thầy trò Huyền đành phải xác định sẵn tinh thần, có sao dùng vậy và chỉ mong nó đừng “đứt” giữa đường. Họ cũng hiểu rằng, cơ hội thể hiện được đúng khả năng, chứ chưa nói đến tranh chấp huy chương, coi như không có nhưng thi thì vẫn cứ thi.
Ông chủ shop xe đạp người Thái tốt bụng
Sáng hôm sau, Huyền đã bước ra đường đua trong sự lo lẳng và mệt mỏi, nhất là khi cả đêm trước đã mất ngủ. Vừa mới lên xe để đạp thử vài vòng khởi động, cua-rơ Việt Nam bỗng dưng trở thành “tâm điểm” của sự chú ý với tiếng kêu quá to từ chiếc xe đạp. Huyền ngượng và nản đến phát khóc, cứ tủi thân đứng một mình chờ xuất phát.
Thế nhưng, chính từ tình huống “dở khóc dở cười” ấy đã bất ngờ mang đến may mắn, giống như một phép lạ cho Huyền. Một ông chủ shop xe đạp người Thái sang đây du lịch đã chủ động tìm đến hỏi thăm rồi quyết định cho Huyền mượn một chiếc xe đạp “xịn” để tranh tài. Đến lúc được chạm vào chiếc xe mới long lanh giống “chiến mã” của các đối thủ Thái Lan, Huyền vẫn ngớ người ra vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thực ra để điều khiển một chiếc xe mới cũng không hề đơn giản, song rất may còn 30 phút chuẩn bị nên chị mới có thể kịp làm quen với “chiến mã” mới, khi vừa thử vừa hỏi han.
Vượt chính đối thủ Thái Lan 7 phút để giành HCV
Súng nổ xuất phát, Huyền vẫn còn đứng… chôn chân vì bị phân tâm bởi chiếc xe đạp mới và vị khách tốt bụng. Phải đến lúc các đối thủ đã bỏ xa cả chục mét, và trước tiếng hét của ông chuyên gia, chị mới bừng tỉnh rồi vọt lên phía trước. Niềm cay đắng, sự khát khao đã được Huyền “trút” cả vào đôi bàn đạp, tạo nên một tốc độ cao đáng kinh ngạc trong những tiếng thở dốc.
Mới qua nửa hành trình 24km vượt đèo dốc, tân binh đến từ Việt Nam đã vượt lên dẫn đầu rồi băng băng một mình về đích. Rất ly kỳ vì Huyền đã cán đích đầu tiên với 7 phút hơn đối thủ xếp sau chính là một cuarơ Thái Lan.
Tất nhiên, việc đầu tiên mà nhà vô địch Thanh Huyền làm sau khi đăng quang là tìm ngay vị khách Thái Lan tốt bụng để trả xe với một lời cảm ơn tự đáy lòng. Vì quá xúc động nên cô gái Hà thành thậm chí quên mất hỏi tên, địa chỉ của “ân nhân” để rồi sau này vẫn ân hận mãi.
Quá đau khi mất tấm HCV vào tay Thanh Huyền, BHL xe đạp Thái Lan đã lập tức tìm đến ông chủ shop xe đạp người Thái chất vấn và chỉ trích gay gắt về cái “tội” cho đối thủ của đồng hương mình mượn xe đạp. Câu chuyện này còn được báo chí Thái Lan mổ xẻ suốt một thời gian sau đó như một nỗi đau khó nuốt trôi của xe đạp và đoàn thể thao nước này tại SEA Games 1999.
Sau kỳ tích “Vàng” với chiếc xe đi mượn, Huyền mới được ngành thể thao đầu tư cho một chiếc xe đua địa hình đúng tiêu chuẩn quốc tế, trị giá gần 100 triệu đồng. Huyền đã có thêm 3 lần chinh phục HCV SEA Games (2001, 2003 và 2007), bên cạnh một danh hiệu vô địch châu Á vào 2002.
Đón đọc kỳ cuối: Chủ tịch Liên đoàn cờ vua Philippines mất chức vì 8 HCV của Việt Nam.