(thethao24.tv) – Đây là trường hợp của đô cử Nguyễn Trần Anh Tuấn, người đã thi đấu xong từ ngày 17/8 nhưng phải chờ đến tận ngày cuối của Thế vận hội trẻ vào 28/6, tức 11 ngày mới được về nhà. Không chỉ Tuấn mà điều này áp dụng với tất cả tuyển thủ của trên 200 đoàn dự tranh, theo một quy định riêng chỉ có ở cuộc đấu đỉnh cao nhất dành cho thế hệ trẻ.
>>>Ánh viên giành HCV Olympic trẻ
>>>Thể thao Việt Nam tại Olympic trẻ 2014: Chờ đô cử Tuấn” em” đột phá
Thông thường ở các sự kiện khác, như Olympic hay ASIAD, nước chủ nhà chỉ phục vụ các đội tuyển từ 3 ngày trước cho đến 2 ngày sau thi đấu. Thậm chí, các BTC còn mong muốn các đội về nước càng sớm càng tốt. Thế nhưng riêng ở Olympic trẻ, các tuyển thủ dù dự tranh ngay từ ngày đầu hay ngày cuối vẫn sẽ chỉ rời khỏi Làng VĐV, lên đường về nước sau lễ bế mạc. Và càng đặc biệt hơn, mọi chi phí ăn ở trong suốt thời gian ở Nam Kinh, có thể ngắn dài khác nhau đều được đài thọ toàn bộ.
VĐV cử tạ Nguyễn Trần Anh Tuấn
Thế nên mới có những trường hợp như các đô cử Nguyễn Trần Anh Tuấn (hạng 56kg nam) hay Ngô Thị Quyên (hạng 48kg nữ) chỉ thi đấu một buổi duy nhất vào ngày 17/8 rồi cứ việc ở lại thêm đến cả 11 ngày.
Sở dĩ có chuyện là như vậy xuất phát từ quy định đặc thù của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) với Thế vận hội trẻ. Đấu trường này được xác định như một đấu trường nhắm đến mục tiêu phát triển toàn diện cho các VĐV trẻ, mà thành tích chuyên môn cũng chỉ đóng một phần quan trọng. Việc kết nối, học hỏi giữa VĐV trẻ của các đoàn trong một gia đình chung với một tinh thần thể thao chân chính mới là đích cao nhất được nhắm tới. Bên cạnh các cuộc đấu, Olympic trẻ còn có hàng loạt các hoạt động đồng hành khác như tìm hiểu lịch sử và phong trào Olympic, thi người đẹp Olympic trẻ, biểu diễn văn hóa văn nghệ, giao lưu chung cũng như ở từng môn… Mọi hoạt động đều diễn ra ngay trong Làng VĐV, theo một chương trình sẵn sàng từ lâu.
Vượt qua kết quả thắng thua trên sàn đấu, các VĐV sẽ cùng nhau làm nên một thành quả chung là trải nghiệm giá trị về nhiều mặt , chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh cao phía trước. Đơn cử trong 11 ngày còn lại ở Đại hội, các tuyển thủ cử tạ Việt Nam như Anh Tuấn hay Ngô Thị Quyên sẽ được liên tục tham dự vào những lễ hội thực sự chỉ có ở Olympic trẻ. IOC cũng khuyến khích và tạo điều kiện đối đa việc các VĐV hoàn thành phần thi của mình sẽ trở thành cổ động viên, săn sóc viên cho các đồng đội trong đoàn thể thao nước mình, hay kể cả các đoàn bạn.
Cũng chính bởi muốn biến Olympic trẻ thành một ngôi nhà chung nên IOC đã tuyển chọn kỹ lưỡng và giới hạn chặt chẽ số lượng VĐV tham gia Olympic trẻ. Đại hội chỉ có tổng số 2.500 VĐV chỉ bằng 1/4 so với Olympic London 2012, cho dù đều có 28 môn thi. Thành phần quan khách, HLV, trọng tài tới Nam Kinh cũng rất hạn chế.
Với 13 tuyển thủ (11 chính thức, 2 dự bị) ở 7 môn, đoàn TTVN chỉ có 1 Trưởng đoàn mà không hề có Phó đoàn. Mỗi môn dù đông như bơi với 4 kình ngư cũng chỉ 1 HLV theo kèm. Vì hết suất nên có đến hai thành viên của đoàn, trong đó cả vị bác sĩ duy nhất của đoàn vẫn không được trong Làng VĐV mà phải thuê khách sạn ở ngoài, và tự túc kinh phí. Nếu muốn vào Làng làm nhiệm vụ, hàng ngày, họ phải có bảo lãnh của Trưởng đoàn, được Ban Quản lý phê duyệt.
Sau chiến tích Vàng ở nội dung 200m hỗn hợp, kình ngư 18 tuổi đã tiếp tục bước vào tranh tài trên đường bơi 200m bướm nữ. Thi đấu ở đợt loại thứ 4, Ánh Viên đã cán đích ở vị trí thứ ba với thông số 2 phút 13 giây 90. Kết quả này đã giúp tuyển thủ Việt Nam lọt vào cuộc đấu chung kết. Tuy nhiên, qua cân nhắc khả năng tranh chấp thấp khi chỉ đứng cuối trong 8 người tại chung kết, cũng như dành sức cho các “mũi nhọn” còn lại nên thầy trò Viên đã quyết định không tham dự. Hôm nay (19/8), niềm hy vọng số 1 của TTVN sẽ có một ngày thi đấu trọng tâm của mình khi tranh tài ở ba nội dung 800m tự do, 200m ngửa và 50m ngửa. Chắc chắn Viên sẽ dự đấu loại đủ cả ba và không mấy khó khăn để giành quyền vào chung kết. Tuy nhiên, rất có thể căn cứ vào tình hình thực tế tài năng trẻ đất Cần Thơ sẽ quyết định tập trung tối đa cho nội dung nào nhằm hoàn thành mục tiêu tranh huy chương, kể cả Vàng. Trước đó, Ánh Viên đã được lãnh đạo đoàn TTVN trao thưởng “nóng” 20 triệu đồng cho tấm HCV lịch sử của bơi Việt Nam. |
Hà Thảo