Chủ công Trần Thị Thanh Thúy: Từ vai phụ tới “kép chính”

chủ nhật 13-3-2016 22:33:38 +07:00 0 bình luận
Ngay lần đầu xuất ngoại, chủ công 19 tuổi cao 1m90 Trần Thị Thanh Thúy đã giành chức vô địch Thai League trong màu áo của Bangkok Glass.

Món quà may mắn

Nhìn nhận thẳng thắn, nếu bình thường chủ công sinh năm 1996 sẽ chưa có “cửa” đầu quân cho một đội bóng “đại gia” cỡ Bangkok Glass, vốn đang là ĐKVĐ của Thai League và giải các CLB châu Á. Dù đang là nữ cầu thủ cao nhất Đông Nam Á, cũng thuộc diện triển vọng nhất song Thanh Thúy chưa thể so được với cả một dàn sao ở đẳng cấp châu lục như Ngọc Hoa, Pleumjit…, đặc biệt về bản lĩnh cùng lối chơi toàn diện..

Thanh Thúy (phải) và đàn chị Ngọc Hoa

Thanh Thúy (phải) và đàn chị Ngọc Hoa

Thế nhưng tuyển thủ trẻ của Long An đã bất ngờ được trao cơ hội, sang tập luyện thi đấu tại CLB số 1 Thái Lan kể từ vòng 2 mùa 2015-2016. 2 người đã mang tới món quà may mắn cho Thanh Thúy chính là HLV Aphisak của Bangkok Glass cùng đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Qua tham khảo ý kiến của Ngọc Hoa, ông Aphisak đã quyết định đưa Thanh Thúy sang Thái, vừa nhằm thử nghiệm, đào tạo một nhân tố mới cho chính Bangkok Glass, vừa phần nào đó hỗ trợ Bình Điền Long An, nơi HLV này có thời gian dẫn dắt.

HLV Aphisak cũng có điều kiện thuận lợi để thực hiện cuộc chuyển nhượng chóng vánh này, bởi Bangkok Glass đang dẫn đầu Thai League với cách biệt tương đối an toàn so với các đối thủ. Đội bóng cũng có một vài biến động về lực lượng và một chủ công có chiều cao, tầm bóng lý tưởng như Thanh Thúy xuất hiện là sự bổ sung hợp lý.

Bùng nổ thành “kép chính”

Trong lần đầu xuất ngoại của mình, lại ở một đội bóng toàn sao, Thanh Thúy đã không tránh khỏi áp lực về tâm lý, với sự lo lắng thường trực. Chủ công có chiều cao 1m 90 chỉ xác định quyết tâm tập luyện, học hỏi thật tốt và phấn đấu lọt được vào danh sách 12 cầu thủ để thi thoảng được thay ra thay vào. Còn ông thầy cũ Aphisak cũng khẳng định, mục tiêu chính của Thanh Thúy là tích lũy, tập dượt và ông chỉ sử dụng học trò trong một vài trận đấu gặp đối thủ dễ.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn có mặt tại CLB, Thanh Thúy đã chứng tỏ khả năng hòa nhập đáng kinh ngạc, cả trong sinh hoạt, tập luyện. Chị luôn là gương mặt nổi bật trên sân tập, trong các trận đấu tập, với nhiều nét tươi mới. Nhờ thế, Thanh Thúy đã được BHL tin tưởng tung vào đội hình chính, ở vị trí đối chuyền mà Rassame để lại. Cả đội chỉ mong tuyển thủ Việt Nam có thể đóng tròn vai, song Thanh Thúy đã chơi xuất sắc ngay từ trận đầu. Chị đã phát huy rất tốt lợi thế về chiều cao, tầm bóng, sức trẻ để trở thành một “mũi” ghi điểm lợi hại cho đội, với những pha dứt điểm trái phá ở biên hay từ sau vạch 3m. Tinh thần thi đấu máu lửa cùng lối chơi lăn xả của Thanh Thúy cũng đã góp phần quan trọng mang lại một khí thế mới cho các “đàn chị”.

bóng chuyền

Nhập cuộc muộn với một vai phụ, Thanh Thúy bất ngờ thành kép chính của “đại gia” Thái Lan trong cả lượt về mùa giải. Ngoại binh đến từ Long An đã thi đấu chính thức 6 trên 7 trận, luôn thuộc nhóm ghi điểm nhiều nhất của đội, với hiệu suất từ 12 tới 17 điểm/trận. Thanh Thúy đã góp công lớn để Bangkok Glass bảo vệ thành công ngôi vô địch trước 2 vòng đấu, và kết thúc giải với 14 trận toàn thắng.

Nếu Thanh Thúy coi cuộc xuất ngoại cùng danh hiệu trên đất Thái là một “mòn quà may mắn” với mình, thì chính ông thầy Aphisak lại cho rằng tài năng trẻ đang tiến bộ vượt bậc này mới là “mòn quà bất ngờ” cho đội bóng của mình. 

bóng chuyền

Với Ngọc Hoa và Thanh Thúy, lần đầu tiên, bóng chuyền và thể thao Việt Nam có 2 gương mặt cùng đăng quang ở một giải đấu chuyên nghiệp nước ngoài, chưa kể còn trong cùng một đội bóng. CLB Bangkok Glass của bộ đôi này đã bước lên ngôi cao nhất mùa 2015-2016 với kỳ tích 14 trận toàn thắng. Cả giải, họ chỉ thua đúng 5 hiệp đấu.

Ngọc Hoa vẫn là tuyển thủ Việt Nam duy nhất từng đăng quang ở giải VĐQG của 2 nước (1 lần với Bình Điền Long An và 2 lần với Bangkok Glass). Trong khi đó, Thanh Thúy dù vừa bước lên ngôi nhất tại Thai League song lại chưa từng giành chức VĐQG Việt Nam.

bóng chuyền

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy là cầu thủ thứ 5 của bóng chuyền Việt Nam xuất ngoại. Từ 04/01/2017, Thanh Thúy đã cùng Ngọc Hoa sang khoác áo Bangkok Glass tại vòng 2 Thai –League 2015-2016. Ngoài bộ đôi chị em Hoa – Thúy, 3 cầu thủ khác đã biết tới chuyện du đấu là chủ công của Sanest Khánh Hòa, Ngô Văn Kiều (Indonesia, 2 mùa 2008 -2009 và 2009-2010), chủ công của Thông tin LienVietPostBank Đỗ Thị Minh (Thái Lan, mùa 2014-2015) và libero của Bình Điền Long An Nguyễn Thị Kim Liên (Thái Lan, mùa 2014-2015).

bóng chuyền

Ngoại lệ và thời vụ…

Theo đánh giá từ chính các chuyên gia Thái Lan, Việt Nam có nhiều cầu thủ đủ năng lực thi tài tại các giải đấu ngoại.

Đơn cử Thai League có không dưới 10 tuyển thủ cả nam lẫn nữ hoàn toàn có thể đáp ứng ở mức độ tốt. Thế nhưng đến thời điểm này, việc “xuất khẩu cầu thủ” của bóng chuyền Việt Nam mới chỉ có số lượng đếm đầu ngón tay, đều mang tính ngoại lệ và thời vụ. Chưa có ai, kể cả Ngọc Hoa vượt ra khỏi tầm khu vực. Và giả sử Ngọc Hoa thi đấu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, chưa kể sang Mỹ hay châu Âu, tình thế rất khác.

Nguyên nhân bởi các CLB và chính bản thân cầu thủ đều chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng, hay nói cách khác rất thiếu hàng loạt điều kiện cơ bản cho việc xuất ngoại, đơn giản như vốn ngoại ngữ, văn hóa cơ bản hay khả năng thích ứng với những khác biệt về sinh hoạt, tập luyện thi đấu. Sang Thái Lan, Ngọc Hoa hay Thanh Thúy có nhiều thuận lợi cơ bản vì được ở trong một môi trường gần như ở nhà, bên cạnh ông thầy cũ và nhiều người đồng đội quen thuộc luôn hỗ trợ tối đa về mọi mặt.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm